Do chi phí bán hàng tăng mạnh nên quý II năm nay, VGG ghi nhận lãi ròng giảm 21% xuống còn 51 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Tổng CTCP May Việt Tiến (Mã chứng khoán: VGG) đã công bố Báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, doanh thu thuần tăng 13% ghi nhận mức 2.373 tỷ đồng; giá vốn hàng bán tăng với tỷ lệ 11% lên 2.144 tỷ đồng dẫn tới lãi gộp đạt 229 tỷ đồng - tăng 30% so với quý II/2021.
Trong kỳ VGG có 31,77 tỷ đồng doanh thu tài chính - tăng 24% so với cùng kỳ; chi phí tài chính tăng mạnh gấp 4,4 lần cùng kỳ lên mức 34 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết của công ty trong kỳ có lãi 13 tỷ đồng - giảm nhẹ 9% so với trong khi quý II/2021. Chi phí bán hàng bất ngờ tăng 75% đạt 110 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ xuống mức 67 tỷ đồng.
Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, VGG lãi sau thuế gần 51 tỷ đồng - giảm 21% so với quý II/2021. EPS đạt 829 đồng/cổ phiếu.
Nguyên nhân được phía doanh nghiệp giải trình là do chi phí bán hàng tăng mạnh nên đã khiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Bán niên 2022, VGG ghi nhận doanh thu tăng 9% lên 3.892 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 92 tỷ đồng và 78 tỷ đồng - tương đương tăng 8% và 10% so với cùng kỳ. EPS tăng lên ngưỡng 1.301 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ còn 576 tỷ đồng.
Năm 2022, VGG đặt mục tiêu tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng - tăng 8% so với 2021, lợi nhuận trước thuế tăng 51% đạt 150 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, doanh nghiệp này đã thực hiện được 60% chỉ tiêu doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tính đến cuối quý II/2022, tổng tài sản của VGG đạt 5.008 tỷ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm trong đó hàng tồn kho là 1.206 tỷ đồng tăng mạnh 62% so với đầu kỳ. Công ty đang phải trích lập dự phòng gần 2 tỷ đồng cho khoản tồn kho này. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 19%, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt gần 1.160 tỷ đồng.
Trong quý 2 vừa qua, VGG phát sinh thêm khoản phải thu mới hơn 193 tỷ đồng của công ty Mitsubishi Fashion Co.
Đối với cơ cấu vốn, nợ phải trả của VGG tính đến cuối quý II/2022 đã tăng thêm 20% lên gần 3.120 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm tới 98% tổng nợ phải trả của công ty trong đó khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 40% so với đầu năm lên hơn 1.918 tỷ đồng. Vay nợ thuê ngắn hạn cũng tăng 57% lên hơn 110 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn hơn 134 tỷ đồng ghi nhận mức tăng 90% do vay nợ vay nợ thuê ngắn hạn tăng 57% lên hơn 110 tỷ đồng và phát sinh thêm khoản vay dài hạn hơn 23 tỷ đồng.
Về lưu chuyển dòng tiền, 2 quý đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh cải thiện từ mức âm 350 tỷ đồng xuống chỉ còn âm 153 tỷ đồng; dòng tiền từ hoạt động tài chính chuyển từ âm 151 tỷ đồng sang dương 11 tỷ đồng nhờ tăng cường vay nợ; dòng tiền từ hoạt động đầu tư giảm mạnh từ 222 tỷ đồng còn 64 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn còn âm 78 tỷ đồng.
Trong năm nay, VGG dự kiến sẽ chi 100 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng tại khu công nghiệp Dệt may Bình An (Bình Dương). Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến chi 70 tỷ đồng để tăng thêm vốn góp tại các đơn vị, 5 tỷ đồng đầu tư máy móc chuyên dụng, 30 tỷ đồng xây dựng văn phòng tại Hà Nội và 5 tỷ đồng nâng cấp môi trường làm việc.
VGG dự kiến sẽ chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%. Với hơn 44 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, dự kiến VGG sẽ chi gần 53 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8/2022, cổ phiếu VGG đứng giá 42.500 đồng/cổ phiếu.