Hành động của ông Trump có thể gây 'đứt gãy' chuỗi cung ứng toàn cầu
Toàn thế giới lo sốt vó trước chính sách thuế mới của ông Trump. Mức thuế 10% có hiệu lực, các nền kinh tế đồng loạt tìm cách ứng phó, mở ra làn sóng trả đũa và bất ổn thương mại toàn cầu.
Nỗi lo bao trùm toàn thế giới
"Cơn chấn động" vừa quét qua hệ thống thương mại toàn cầu, nhân viên hải quan Mỹ chính thức áp mức thuế quan đơn phương 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia theo sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump.
Chính sách bắt đầu có hiệu lực từ sáng 5/4 (giờ Mỹ), kèm theo dự kiến tăng thuế mạnh hơn, từ 11-50% đối với hàng hóa đến từ 57 đối tác thương mại lớn diễn ra từ tuần sau.
Mức thuế cơ bản ban đầu 10% được triển khai tại các cảng biển, sân bay và kho hải quan của Mỹ lúc 12h01 sáng theo giờ miền Đông. Điều này đánh dấu bước ngoặt lớn, khi ông Trump thẳng thừng bác bỏ hệ thống thuế suất thỏa thuận chung vốn duy trì từ sau Thế chiến thứ hai.
Bà Kelly Ann Shaw - luật sư thương mại tại Hogan Lovells, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump - gọi đây là “hành động thương mại lớn nhất trong lịch sử”.
![]() |
Hàng hóa nhập khẩu Mỹ lo sốt vó. |
Phát biểu tại sự kiện của Viện Brookings hôm thứ Năm, bà Shaw cho biết: “Tôi dự kiến mức thuế quan thay đổi theo thời gian khi các quốc gia tìm cách đàm phán mức thuế thấp hơn. Đây là thay đổi lớn đáng kể trong cách nước Mỹ giao dịch với toàn cầu".
Tác động của chính sách thể hiện rõ lập tức. Thông báo về thuế quan của Trump vào ngày 2/4 (giờ Mỹ) làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo khiến 5.000 tỷ USD chứng khoán các công ty thuộc chỉ số S&P 500 bị xóa sổ sau hai phiên giao dịch. Đây là mức giảm kỷ lục trong hai ngày. Riêng trong tuần, S&P 500 giảm đến 9%. Giá dầu và hàng hóa lao dốc mạnh, trong khi dòng tiền đổ về trái phiếu chính phủ như một nơi trú ẩn an toàn.
Trong danh sách những quốc gia đầu tiên chịu mức thuế 10% có Australia, Anh, Colombia, Argentina, Ai Cập và Arabia Saudi. Bản tin từ Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ gửi đến các hãng vận chuyển khẳng định rằng: Không có thời gian gia hạn cho hàng hóa đang vận chuyển trên biển vào nửa đêm thứ Bảy.
Tuy nhiên, một bản tin khác đã đưa ra thời hạn gia hạn là 51 ngày, áp dụng cho hàng hóa đã được chất lên tàu hoặc máy bay, đang trên đường đến Mỹ trước 12h01 sáng thứ Bảy. Những lô hàng này cần đến trước 12h01 sáng ngày 27/5 để được miễn mức thuế 10%.
Thứ Tư tuần sau, mức thuế quan “có đi có lại” cao hơn của ông Trump có hiệu lực, dao động từ 11-50%. Hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu bị đánh thuế 20%, trong khi hàng hóa Trung Quốc sẽ bị áp thêm thuế 34%, nâng tổng mức thuế mới của ông Trump đối với Trung Quốc lên 54%.
Việt Nam đối mặt mức thuế 46%, nhưng đang trong quá trình đàm phán với chính quyền ông Trump.
Canada và Mexico được miễn cả hai mức thuế mới nhất của ông Trump, vì họ vẫn chịu mức thuế 25% liên quan đến cuộc khủng hoảng fentanyl đối với hàng hóa không tuân thủ các quy tắc xuất xứ của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Các mặt hàng đang chịu mức thuế an ninh quốc gia riêng biệt là 25% (bao gồm thép và nhôm, ô tô, xe tải và phụ tùng ô tô) cũng bị loại trừ khỏi chính sách thuế lần này.
Chính quyền ông Trump đồng thời công bố danh sách hơn 1.000 danh mục sản phẩm được miễn thuế, tổng giá trị 645 tỷ USD vào năm 2024. Danh sách này bao gồm dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và các mặt hàng năng lượng nhập khẩu khác, dược phẩm, urani, titan, gỗ xẻ, chất bán dẫn và đồng. Ngoại trừ năng lượng, các ngành còn lại hiện đang được điều tra để xem xét áp dụng thêm thuế an ninh quốc gia trong thời gian tới.
Phản ứng của các nền kinh tế toàn cầu
Phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ Trung Quốc. Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố công khai bác bỏ mức thuế quan của Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ “tham vấn bình đẳng” sau phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính toàn cầu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Guo Jiakun - cho biết: “Thị trường đã lên tiếng”, kèm theo bức ảnh chụp lại sự sụt giảm của thị trường Mỹ vào thứ Sáu. Đây được cho là lời khẳng định rằng chính sách mới của Mỹ không chỉ bất lợi cho các đối tác mà còn gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ.
Đáp trả động thái từ Mỹ, Trung Quốc áp thêm thuế 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nâng tổng mức thuế lên 54%. Đồng thời, Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu một số loại đất hiếm - vật liệu chiến lược trong sản xuất công nghệ và quốc phòng - làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hiệp hội thương mại Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi đoàn kết trong việc khám phá thị trường thay thế, cảnh báo rằng thuế quan sẽ làm lạm phát ở Mỹ trở nên tồi tệ hơn.
![]() |
Chính sách thuế của ông Trump gây rúng động thị trường toàn cầu. |
Hội đồng thương nhân kim loại và hóa chất của Trung Quốc nhấn mạnh rằng mức thuế quan này “sẽ đẩy chi phí nhập khẩu cho các nhà nhập khẩu Mỹ và chi phí tiêu dùng cho người tiêu dùng lên cao, làm trầm trọng thêm lạm phát trong nước tại Mỹ và làm tăng khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ”.
Tại châu Âu, tiêu biểu là Đức, nhiều doanh nghiệp kỹ thuật - ngành mũi nhọn của nền kinh tế nước này - đang gặp thách thức nghiêm trọng.
Công ty WIWA - chuyên sản xuất các thiết bị sơn và phủ công nghệ cao tại Mỹ - cho biết, việc áp thuế 20% đối với hàng hóa châu Âu đang khiến họ phải cân nhắc việc duy trì hay thu hẹp hoạt động tại thị trường Mỹ.
Ông Malte Weber - Giám đốc WIWA - cho hay: “Chúng tôi sản xuất tại Mỹ cho thị trường Mỹ với các thành phần cốt lõi từ châu Âu. Tất nhiên, những thành phần này cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan”.
Theo cơ quan thống kê của chính phủ Đức, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2024, với tổng giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai quốc gia là 253 tỷ euro (278 tỷ USD). Trong đó, ngành kỹ thuật - trụ cột xuất khẩu của Đức - chiếm phần lớn. Dữ liệu từ VDMA - nhóm vận động hành lang của ngành kỹ thuật - cho thấy trong năm 2024 Đức đã bán máy móc và thiết bị trị giá 27,4 tỷ euro cho Mỹ, chiếm 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Theo một cuộc khảo sát từ VDMA, gần 60% các doanh nghiệp trong ngành dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế quan mới.
Tại Canada, triển lãm nông nghiệp diễn ra gần đây cho thấy nỗi lo lắng bao trùm giới nông dân và các nhà sản xuất thiết bị. Mặc dù Canada được miễn các mức thuế mới nhất, nước này vẫn phải đối mặt với thuế đối với thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ, cũng như với các sản phẩm ô tô không tuân thủ Hiệp định thương mại USMCA. Với giá của một số máy gặt đập liên hợp vượt mức 800.000 USD, việc tăng giá bất ngờ do thuế quan khiến ngân sách của các trang trại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tính đến thứ Sáu, nhiều nông dân Canada vẫn chưa rõ liệu thiết bị nông nghiệp có bị đánh thuế hay chịu phản ứng trả đũa từ phía Canada hay không. Trong khi đó, nhu cầu về máy gặt đập liên hợp, máy kéo và các thiết bị khác đã giảm mạnh, khiến các nhà sản xuất buộc phải thu hẹp hoạt động.
Việt Nam giờ đây cũng không nằm ngoài làn sóng thuế quan khi bị áp mức thuế lên tới 46%. Chính phủ Việt Nam đồng ý bước đàm phán với chính quyền ông Trump nhằm giảm thiểu căng thẳng và tác động lên nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Với phản ứng ngày càng gay gắt từ các quốc gia và thị trường toàn cầu, giới phân tích cảnh báo trật tự thương mại đa phương được xây dựng suốt nhiều thập kỷ đang đối mặt với nguy cơ phân rã, khi các quốc gia quay lưng với hợp tác và tìm cách bảo vệ lợi ích riêng. Điều này có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng trưởng suy giảm và bất ổn kinh tế kéo dài.
>> Thuế Trump ‘giáng đòn’, các quỹ đầu cơ bị call margin lớn chưa từng có kể từ năm 2020