Thế giới

Hạt gạo đẩy cả 1 siêu cường rơi vào khủng hoảng: Giá tăng gấp đôi bóp nghẹt các hộ gia đình Nhật Bản, Bộ trưởng mất ghế, LDP lao đao

Nhật Hạ 22/07/2025 04:30

Giá các món ăn từ gạo tại các cửa hàng tăng vọt, và với kỳ bầu cử sắp diễn ra, cuộc khủng hoảng gạo có thể trở thành gánh nặng lớn trong lòng cử tri.

Tình trạng thiếu hụt gạo khiến Nhật Bản rơi vào khủng hoảng quốc gia

Tình trạng thiếu hụt gạo tại Nhật Bản – một vấn đề đã manh nha từ năm 2023 – đã đẩy giá mặt hàng lương thực thiết yếu này lên mức cao kỷ lục trong năm nay, làm trầm trọng thêm những khó khăn về chi phí sinh hoạt và thổi bùng làn sóng bất mãn trong xã hội.

Một số trường học đã cắt giảm số ngày phục vụ cơm trong bữa trưa. Các cửa hàng và nhà hàng đồng loạt tăng giá các món ăn có gạo. Dù giá gạo đã giảm kể từ đỉnh điểm hồi tháng 5, hiện vẫn cao hơn khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh người dân tiếp tục bất bình với mức sống đắt đỏ, vấn đề này có nguy cơ gây tổn hại tới Thủ tướng Shigeru Ishiba và đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7 tới.

rice-2.jpg
Các bao gạo được chính phủ xuất kho theo hợp đồng phân phối không đấu thầu, tại một chi nhánh của chuỗi bán lẻ giá rẻ Nhật Bản ở Tokyo, ngày 1/6. (Nguồn: Jiji Press)

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu hụt gạo tại Nhật Bản?

Khủng hoảng gạo hiện tại bắt nguồn từ mùa hè nắng nóng gay gắt năm 2023, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng gạo thường niên của Nhật, ghi nhận mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Lượng khách du lịch tăng mạnh sau khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 được dỡ bỏ cùng nhu cầu phục hồi từ ngành dịch vụ ăn uống đã tạo thêm áp lực lên nguồn cung vốn đã eo hẹp. Đến tháng 8/2024, sau khi Chính phủ đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra động đất, người dân đổ xô tích trữ gạo, đẩy giá tăng mạnh dù cuối cùng động đất không xảy ra.

Bên cạnh đó, các chính sách dài hạn của chính phủ nhằm bảo vệ ngành lúa gạo đã khiến việc xử lý khủng hoảng trở nên khó khăn.

rice-3.jpg
Du khách nước ngoài học cách làm sushi trong một lớp dạy nấu ăn tại Tokyo.

Chính phủ Nhật Bản có vai trò gì trong nguồn cung gạo?

Từ những năm 1970, do tình trạng dư thừa gạo kéo dài, chính phủ Nhật đã chi hàng nghìn tỷ yên để thu mua và lưu trữ gạo dư thừa. Mối quan hệ chặt chẽ giữa ngành sản xuất lúa gạo và giới chính trị hình thành từ đó vẫn duy trì tới ngày nay.

Đến năm 1978, chính phủ áp dụng chính sách khuyến khích nông dân giảm sản lượng gạo nhằm tránh tình trạng dư cung. Chính sách này chính thức bị bãi bỏ năm 2018, song chính phủ vẫn tiếp tục can thiệp bằng cách trợ cấp cho nông dân chuyển sang trồng loại ngũ cốc khác nếu tuân thủ chỉ tiêu sản xuất gạo.

Chỉ tiêu này trên thực tế đóng vai trò như một mức trần nhằm kiểm soát nguồn cung và giữ giá gạo không giảm. Hầu hết nông dân đều tuân theo mức trần này, dẫn tới khoảng cách cung – cầu rất sát sao, khiến ngành thiếu khả năng ứng phó linh hoạt trước các biến động đột ngột.

Những năm gần đây, chính phủ tiếp tục điều chỉnh giảm chỉ tiêu nhằm phản ánh nhu cầu tiêu thụ giảm do dân số Nhật đang thu hẹp.

rice-4.jpg
Một nông dân cấy mạ xuống ruộng lúa tại tỉnh Hyogo vào tháng Năm.

Ngoài ra, chính phủ còn bảo hộ ngành bằng luật nhập khẩu nghiêm ngặt. Năm ngoái, tổng sản lượng gạo tại Nhật đạt 7,34 triệu tấn, bao gồm gạo ăn, gạo làm thức ăn gia súc và gạo cần chế biến thêm (như để làm rượu sake). Trong khi đó, lượng gạo nhập khẩu không chịu thuế chỉ giới hạn ở mức 770.000 tấn/năm. Các lô gạo nhập khẩu vượt hạn ngạch bị áp thuế tới ¥341/kg, tương đương khoảng 200% theo một số ước tính.

Phần lớn gạo nhập khẩu đến từ Mỹ và Thái Lan. Hiện nay, ngành gạo Nhật vẫn có ảnh hưởng chính trị đáng kể và duy trì mối quan hệ mật thiết với LDP. Đặc biệt, một số khu vực bầu cử then chốt phụ thuộc vào lá phiếu tập thể từ các tổ chức nông nghiệp – bao gồm địa bàn của Thủ tướng Ishiba tại khu vực Tottori–Shimane – buộc ông phải cân bằng lợi ích của các cử tri nông thôn với mong muốn giảm giá gạo từ phía cư dân thành thị.

Khủng hoảng gạo ảnh hưởng thế nào đến các hộ gia đình Nhật?

Một năm trước, một bao gạo 5kg có giá khoảng 2.130 yên (tương đương 14,45 USD). Đến tháng 5 năm nay, giá đã tăng gần gấp đôi lên 4.280 yên – mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2022. Chỉ số lạm phát lõi của Nhật tăng lên 3,5% trong tháng 4, một phần do giá gạo tăng đột biến.

rice-5.jpg
Giá gạo tại Nhật tăng vọt. Tỷ lệ tăng giá gạo so với cùng kỳ năm trước đã gần như tăng gấp đôi tính đến đầu năm 2025, phản ánh rõ nét tác động của khủng hoảng nguồn cung lương thực thiết yếu. (Nguồn: Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Nội vụ Nhật Bản)

Là thành phần chủ đạo trong ẩm thực Nhật, với mức tiêu thụ trung bình 140g/ngày/người, gạo chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách tiêu dùng của hộ gia đình. Nhiều món ăn phổ biến trở nên đắt đỏ hơn. Các cửa hàng tiện lợi đã tăng giá onigiri (cơm nắm) và hộp cơm bento. Một số siêu thị giới hạn mỗi khách chỉ được mua một bao gạo, do nhiều loại và nhãn hiệu trở nên khan hiếm. Đến tháng 7, giá trung bình của một bao 5kg vẫn ở mức 3.534 yên – cao hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.

rice-6.jpg
Cơm nắm bày trên kệ thực phẩm tươi tại cửa hàng 7-Eleven ở Tokyo.

Chính phủ đã làm gì để giải quyết tình hình?

Từ năm 1995, Nhật Bản đã tích trữ gạo dự phòng cho tình huống khẩn cấp. Trong một thập kỷ qua, mức dự trữ duy trì khoảng 910.000 tấn – tương đương hơn 13 tỷ bát cơm.

Tháng 3 vừa qua, chính phủ bắt đầu đưa gạo ra thị trường thông qua đấu giá, bán khoảng một phần ba kho dự trữ cho một cơ quan thu mua lớn. Tuy nhiên, quá trình đưa gạo từ kho tới siêu thị diễn ra chậm chạp, khiến người tiêu dùng tức giận.

Bộ Nông nghiệp ban đầu cho rằng các doanh nghiệp nhỏ cố tình giữ gạo lại để bán giá cao. Sau đó, bộ thừa nhận gạo bị tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.

Do đặc thù sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, gạo ở Nhật thường được thu gom bởi các cơ quan thu mua, sau đó chuyển qua các nhà bán buôn rồi mới đến tay các nhà bán lẻ. Chuỗi cung ứng nhiều tầng này làm chậm quá trình lưu thông gạo, đồng thời tạo điều kiện cho việc găm hàng hoặc thao túng nguồn cung.

Để rút ngắn quy trình và giảm giá, Bộ trưởng Nông nghiệp Shinjiro Koizumi vào cuối tháng 5 đã cho phân phối thêm 300.000 tấn gạo từ kho dự trữ qua hợp đồng không đấu thầu, với giá cố định 10.000 yên cho mỗi 60kg, bán trực tiếp cho nhà bán lẻ.

Các tập đoàn lớn như Rakuten và Aeon nhanh chóng mua vào. Rakuten bán lại với giá 2.138 yên/bao – chỉ bằng một nửa giá bán lẻ trung bình – và đã cháy hàng chỉ sau vài giờ.

rice-7.jpg
Gạo dự trữ của chính phủ được lưu trữ trong một kho tại tỉnh Kanagawa vào tháng Ba.

Nhật Bản có thể tăng nhập khẩu gạo không?

Việc mở rộng nhập khẩu gạo Mỹ từng được xem là nhượng bộ tiềm năng trong đàm phán thương mại song phương, nhưng đã nhanh chóng bị bác bỏ do vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nông dân trong nước, vốn lo ngại cạnh tranh giá.

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, Thủ tướng Nhật khi đó là Shinzo Abe đã bảo vệ ngành gạo bằng cách nhượng bộ trong lĩnh vực thịt bò Mỹ thay vì gạo. Giới truyền thông trong nước gọi thị trường gạo Nhật là “khu vực thiêng liêng” – không thể nhượng bộ trong đàm phán thương mại.

Ngoài lượng gạo miễn thuế do chính phủ nhập khẩu định kỳ, các công ty tư nhân vẫn có thể nhập khẩu riêng, nhưng phải chịu mức thuế 341 yên/kg. Trong năm qua, lượng gạo nhập khẩu theo hình thức tư nhân đã tăng đáng kể. Riêng tháng 5, tổng lượng gạo nhập qua kênh này đạt 10.607 tấn – gấp 120 lần so với 85 tấn cùng kỳ năm 2024.

Gạo có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử không?

Tháng 5, Bộ trưởng Nông nghiệp khi đó là Taku Eto từng đùa rằng ông không bao giờ phải mua gạo vì được tặng quá nhiều. Phát ngôn này khiến công chúng phẫn nộ vì cho rằng ông không thấu hiểu khó khăn về chi phí sinh hoạt mà người dân đang chịu đựng. Hậu quả là ông bị cách chức và Shinjiro Koizumi lên thay.

rice-8.jpg
Ông Taku Eto trả lời chất vấn về phát ngôn liên quan đến gạo tại quốc hội vào ngày 19/5.

Cử tri hiện đang chia rẽ về hiệu quả của các biện pháp chính phủ. Theo khảo sát của Đài truyền hình quốc gia NHK đầu tháng 7, 48% người được hỏi đánh giá tích cực, trong khi 45% cho rằng chính phủ xử lý chưa tốt.

Trong kỳ bầu cử sắp tới, giá gạo – cùng với các chi phí khác đang đè nặng lên ngân sách gia đình – chắc chắn sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định của cử tri.

>> Ông Trump phàn nàn Nhật Bản không mua gạo Mỹ, Tokyo đáp trả cực gắt

Giá gạo tăng gần 100%, Thủ tướng có thể từ chức sau chưa đầy 1 năm: Chuyện gì xảy ra ở siêu cường châu Á?

Ông Trump phàn nàn Nhật Bản không mua gạo Mỹ, Tokyo đáp trả cực gắt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hat-gao-day-ca-1-sieu-cuong-roi-vao-khung-hoang-gia-tang-gap-doi-bop-nghet-cac-ho-gia-dinh-nhat-ban-bo-truong-mat-ghe-ldp-lao-dao-147239.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hạt gạo đẩy cả 1 siêu cường rơi vào khủng hoảng: Giá tăng gấp đôi bóp nghẹt các hộ gia đình Nhật Bản, Bộ trưởng mất ghế, LDP lao đao
    POWERED BY ONECMS & INTECH