Doanh nghiệp

Hậu cuộc chiến dìm giá, đại gia bán lẻ lại bất ngờ có điểm sáng

Huy Lê 31/10/2023 - 10:39

Hai ông lớn bán lẻ chứng kiến doanh số hàng công nghệ rớt mạnh trong cuộc chiến về giá, nhưng vẫn có điểm tựa mạnh mẽ ở các mảng kinh doanh thực phẩm và dược phẩm.

Vẫn gặp khó vì "cuộc chiến hạ giá"

Cuộc chiến hạ giá trong năm 2023 vẫn đang khiến nhiều ông lớn bán lẻ sa sút nghiêm trọng. Các mặt hàng công nghệ (ICT)- vốn là hàng hóa không thiết yếu - càng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt hơn trong bối cảnh sức mua đã suy yếu.

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài là đơn vị phát động cuộc chiến hạ giá, buộc đối thủ trực tiếp FPT Retail (FRT) dưới quyền điều hành của bà Nguyễn Bạch Điệp phải nhập cuộc để bảo vệ thị phần. Sau đó là cuộc chạy đua hạ giá xuống đáy của các đơn vị khác như Di động Việt, CellphoneS...

Cuộc chiến giá vô hình trung kéo tụt biên lợi nhuận gộp của MWG xuống 15,3% trong quý 3/2023, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Riêng doanh thu từ bán máy tính, điện thoại, hàng điện lạnh chỉ ghi nhận hơn 20.800 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4% so với quý II liền trước.

mwg tgdd.png
Chạy đua giảm giá để bảo vệ thị phần khiến biên lãi gộp của MWG xuống đáy 8 năm. (Ảnh: MWG).

Trùm bán hàng ICT cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.

"Công ty phải đưa ra các lựa chọn mua sắm với giá cả hấp dẫn và nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu", theo một phần trong văn bản giải trình của MWG.

Trong khi FPT Retail thừa nhận thị trường bán lẻ ICT trong quý III vẫn chưa hồi phục rõ ràng dù đã qua giai đoạn thấp điểm trong năm. Doanh thu riêng chuỗi FPT Shop trong quý này chỉ còn đạt hơn 4.100 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.

Kéo theo đó là doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm đạt mốc 12.222 tỷ, giảm 20% so với cùng kỳ và chỉ còn đóng góp 52% vào tổng doanh thu của FPT Retail. Hiện hệ thống này có khoảng 791 cửa hàng bán điện thoại và điện máy trên toàn quốc.

Dựa vào bán thuốc, bán rau

Giữa những khó khăn hiện hữu trong mảng kinh doanh hàng ICT, hai đại gia bán lẻ này lại có điểm sáng nhờ xoay trục chiến lược vào các mảng kinh doanh mới là bán lẻ thực phẩm và dược phẩm, cũng như nguồn thu bất ngờ từ tài chính.

Trái ngược với bối cảnh ảm đạm của mảng điện thoại, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho FPT Retail. Công ty mở mới đến 447 nhà thuốc kể từ đầu năm và duy trì doanh số khoảng 1,1 tỷ đồng/nhà thuốc/tháng, qua đó đưa doanh thu lên 11.088 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này giúp FPT Retail vẫn có tổng doanh thu trong 9 tháng đầu năm đạt đến 23.160 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Lợi nhuận lũy kế công ty vẫn khá tiêu cực với mức lỗ 197 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu và cạnh tranh gay gắt, trong khi chuỗi dược phẩm trong giai đoạn mở rộng nên chưa đóng góp nhiều về lợi nhuận.

Tính riêng quý III, FPT Retail đã có lãi trước thuế trở lại hơn 1 tỷ đồng, dù giảm 99% so với cùng kỳ nhưng cải thiện rất nhiều so với khoản lỗ khủng của quý liền trước.

frt fptshop longchau 1.png
Doanh số FPT Retail cao kỷ lục nhờ động lực tăng trưởng dược phẩm. (Ảnh: FRT).

Thế Giới Di Động lại có điểm tựa vào Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ thực phẩm là điểm sáng khi doanh số ngày càng tăng. Doanh thu lũy kế từ đầu năm đạt gần 22.300 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái (riêng quý III tăng 21%).

Doanh số trung bình mỗi cửa hàng đạt 1,65 tỷ đồng/tháng, tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng từ khi thay đổi cách sắp xếp cửa hàng. Đại gia bán lẻ này kỳ vọng doanh thu mỗi cửa hàng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 10/2023 nhưng cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ bị ảnh hưởng do trong mùa mưa.

Bách Hóa Xanh vẫn là động lực tăng trưởng để giúp Thế Giới Di Động hạn chế những tác động tiêu cực của mảng điện máy. Tổng doanh thu của tập đoàn ghi nhận gần 30.300 tỷ đồng, chỉ giảm hơn 15% so với cùng kỳ quý III năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế lao dốc 87% về còn 182 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý hơn là doanh thu tài chính tăng đột biến 78% lên 620 tỷ đồng, là cứu cánh bất ngờ để giúp tập đoàn bán lẻ này thoát lỗ trong gang tấc.

Thực tế, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, lãnh đạo Thế Giới Di Động đã mạnh tay gửi những khoản tiền khổng lồ vào ngân hàng để lấy lãi. Công ty có gần 22.500 tỷ đồng đang nằm tại các ngân hàng và hơn 800 tỷ đồng là tiền mặt.

Hai ông lớn bán lẻ còn ghi nhận tín hiệu tích cực về cơ cấu lao động khi chứng kiến sự gia tăng trở lại. Thế Giới Di Động đang có khoảng 68.374 nhân viên, tăng thêm 348 người so với quý II (nhưng vẫn thấp hơn khoảng 6.500 người so với đầu năm do các đợt sa thải trước đó).

Trong khi FPT Retail còn mạnh tay tuyển dụng thêm khoảng 1.174 nhân sự trong quý gần nhất, đưa tổng số nhân viên lên 16.662 người vào cuối tháng 9 (và cũng cao hơn so với đầu năm), chủ yếu phục vụ cho việc mở rộng Long Châu.

Quốc hội ‘chốt’ thuốc được bán online, cơ hội nào cho cổ phiếu bán lẻ?

Cổ đông kỳ vọng gì ở mức P/E siêu đắt đỏ của FPT Retail (FRT)?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hau-cuoc-chien-dim-gia-dai-gia-ban-le-lai-bat-ngo-co-diem-sang-2208940.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hậu cuộc chiến dìm giá, đại gia bán lẻ lại bất ngờ có điểm sáng
    POWERED BY ONECMS & INTECH