Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để chấm dứt tình trạng “tạm thời” của nền kinh tế thì “hoàn cảnh đặc biệt cần có những giải pháp đặc biệt”.
Sau hai tháng “tạm thời” giãn cách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại…
Theo Thủ tướng, điều này cho thấy nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc; niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để chấm dứt thời kỳ “tạm thời” thì “hoàn cảnh đặc biệt, cần có những giải pháp đặc biệt”. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ và là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Đối với Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19, Chính phủ đặt mục tiêu chậm nhất trong tháng 12/2021 Việt Nam phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc - xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi; tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho người từ 12 tuổi đồng thời nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc - xin cho trẻ em từ 5 tuổi.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung một số trụ cột bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…
Một câu hỏi Quốc hội đặt ra khá gay gắt tại Kỳ họp thứ hai vừa diễn ra vào tháng trước là tại Kỳ họp bất thường tới đây, kể cả khi Quốc hội quyết cho Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ (trong đó có một gói hỗ trợ cho đầu tư để đẩy bật tăng trưởng GDP vào năm tới), rất khó kỳ vọng vào việc nền kinh tế sẽ hấp thụ được khi năm nay, hàng loạt dự án giậm chân không thể giải ngân.
Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước mới giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng - đạt 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Vào những ngày cuối cùng của năm, theo yêu cầu của Thủ tướng, 6 Tổ công tác với 4 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, là 6 Tổ trưởng tăng hết “công suất” kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 còn dưới 60% kế hoạch được giao.
Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân được chỉ ra tại các cuộc kiểm tra này là do tác động của dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều dự án phải dừng thi công.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi… tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án. Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, đấu thầu…
Các Tổ trưởng đều nhấn mạnh rằng Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ đã yêu cầu phải giải ngân để tạo điều kiện, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế cao hơn, do đó việc giải ngân trong thời gian còn lại của năm đòi hỏi rất khẩn trương và cấp bách. Các Bộ, ngành, địa phương đều cam kết sẽ phấn đấu đạt kết quả giải ngân cao nhất.
Như các địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An cam kết đến 31/1/2022 tối thiểu giải ngân đạt 95%.