Theo quy chế giao dịch chứng khoán hiện hành, nhà đầu tư sau khi bán cổ phiếu phải mất 3 ngày tiền mới về tài khoản. Tương tự, sau khi mua cổ phiếu thì 3 ngày sau nhà đầu tư mới có thể thực hiện giao dịch bán. Thời gian qua, đây vẫn được coi là vấn đề bất cập.
Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, nhà đầu tư không phân biệt cá nhân hay tổ chức đều giao dịch theo chu kỳ T+3 trên thị trường chứng khoán cơ sở.
Ví dụ, sau khi giao dịch mua thành công, đến 16h30 sau 2 ngày làm việc, tức là ngày T+2 cổ phiếu mới về tài khoản và vào ngày làm việc tiếp theo (tức ngày T+3) mới có thể bán. Những "chậm trễ" này đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nóng ruột và lo cho danh mục đầu tư của mình nhất là trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực những tháng vừa qua. Điều này cũng gián tiếp tạo điều kiện cho một số hội nhóm, ứng dụng đầu tư chứng khoán lừa đảo xuất hiện và mở rộng.
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đang thực hiện lấy ý kiến của các sở giao dịch chứng khoán, ngân hàng thanh toán BIDV và các thành viên lưu ký về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và Quy chế thành viên lưu ký.
Cụ thể, thành viên lưu ký xác nhận đủ tiền hoặc thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán chậm nhất vào 16h45 ngày T+1. Điều chỉnh thời gian VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền từ 15h30 - 16h00 lên 11h30 - 12h00 ngày T+2.
Thành viên lưu ký có trách nhiệm thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng sau khi VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền (sau 12h) để đảm bảo nhà đầu tư có thể giao dịch trước giờ kết thúc phiên. Thành viên lưu ký thông báo VSD kết quả phân bổ tiền và chứng khoán cho nhà đầu tư chậm nhất 16h30 ngày T+2.
Thúc tiến độ thử nghiệm giao dịch lô lẻ
Dự kiến tháng 8 tới đây, tiền và chứng khoán sẽ về tài khoản nhà đầu tư sớm hơn một này. Điều này được đánh giá là giải pháp tích cực khi tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 6/2022 đã vượt mức 6,1 triệu tài khoản.
Ông Soh Jin Wook - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset Viet Nam cho biết, trong 2 năm vừa qua, các nhà đầu cá nhân đã tăng lên đột biến và dẫn đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chính vì thế, những giải pháp của VSD được đánh giá là rất hữu ích đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, giúp các cá nhân tham gia thị trường dễ dàng và tích cực hơn.
VSD mới nhất vừa thông tin về kế hoạch hỗ trợ thành viên lưu ký kiểm thử hệ thống, thời gian sẽ từ ngày 1/8 đến ngày 26/8/2022, thành viên lưu ký cần gửi công văn về kế hoạch đăng ký kiểm thử cho VSD trước ngày 29/7.
Ông Lê Ngọc Nam - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá, trong điều kiện thị trường không được tốt như hiện nay (VN-Index giảm mạnh từ đỉnh 1.52x hồi tháng 4 và rơi khỏi mốc 1.200 điểm), nhà đầu tư có thể bán chứng khoán ngay lập tức trong buổi chiều ngày T+2. Điều này cũng sẽ giúp ích cho việc quản trị danh mục của nhà đầu tư.
Trước ý kiến cho rằng việc tăng vòng quay giao dịch của nhà đầu tư chỉ giúp cho việc kinh doanh chênh lệch giá trong ngắn hạn mà không cung cấp dòng vốn chung và dài hạn cho nền kinh tế, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn hưởng chênh lệch giá và không nhắm đến sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp nhưng hoạt động đó cũng đã góp phần tạo nên thanh khoản chung và khiến cho thị trường có nền tảng giúp cho việc phát triển hoạt động đầu tư vốn sơ cấp.
Thông tin thêm, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết, đến nay, về mặt pháp lý, đã có những cơ chế giao dịch trong ngày song việc triển khai vẫn cần sự đồng bộ về hệ thống.
Theo ông Dương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc VSD, vấn đề rút ngắn thời gian thanh toán đòi hỏi sự tính toán rất kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động này không làm xáo trộn hoạt động thị trường, không gây ra những đổ vỡ cho hệ thống thanh toán. Cùng với đó, việc áp dụng chính sách mới trong giao dịch chứng khoán cũng đòi hỏi sự chuẩn bị đồng bộ về mặt hệ thống cũng như năng lực quản trị rủi ro từ phía các chủ thể tham gia thị trường.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, hệ thống KRX hiện đang tiến hành công tác kiểm tra với các thành viên đấu nối để tìm ra lỗi sai xót. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa hệ thống công nghệ thông tin mới này đi vào vận hành.
Tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục gia tăng, dòng tiền bắt đáy vẫn đứng ngoài cuộc