HDBank: Hiệu ứng cổ tức và chuyển động dòng tiền ở cổ phiếu HDB
Với lợi thế 10 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương (giai đoạn 2014-2023), HDBank (HDB) duy trì chính sách cổ tức cho cổ đông thuộc Top đầu toàn ngành trong nhiều năm liền.
Diễn biến thị trường chứng khoán phiên 2/7 |
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM - HDBank (Mã HDB - HoSE) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 30%.
Cụ thể, HDBank sẽ dùng hơn 2.912 tỷ đồng để chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông là 15/7; ngày thanh toán dự kiến là 26/7.
Ngân hàng cũng đồng thời phát hành gần 583 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Thời điểm chốt danh sách cổ đông sẽ được công bố (dự kiến trong quý III/2024) sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận.
Với việc dành hơn 8.700 tỷ đồng, trả cổ tức tổng tỷ lệ 30%, HDBank là ngân hàng chia cổ tức cao nhất trong năm 2024 (không tính trường hợp Techcombank chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 và cổ tức bằng tiền năm 2023 tỷ lệ 15%).
Với lợi thế 10 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương (giai đoạn 2014-2023), HDBank duy trì chính sách cổ tức cho cổ đông thuộc Top đầu toàn ngành trong nhiều năm liền; các năm 2019, 2020, 2021 ghi nhận tỷ lệ trên mức 25%.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, nhà băng này đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến với tỷ lệ 30% trong đó tối đa 15% bằng tiền mặt. Năm này, HDBank đặt mục tiêu lãi trước và sau thuế cao kỷ lục với lần lượt 15.852 tỷ và gần 12.700 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức tăng trưởng dương năm thứ 11 liên tiếp.
Không chỉ đón nhận niềm vui từ bức tranh kinh doanh ấn tượng và chế độ cổ tức hấp dẫn, cổ đông HDBank cũng được "lại quả" suốt 20 tháng qua. Những cổ đông nắm giữ từ thời điểm VN-Index rơi về mức 873 điểm hồi giữa tháng 11/2022 đến nay đã đạt mức sinh lời lên tới 117%.
Cổ phiếu HDB lọt Top 10 mua ròng của khối ngoại phiên 2/7 với giá trị gần 20 tỷ đồng |
Kết phiên 2/7, cùng với sắc xanh ở nhóm tài chính, cổ phiếu HDB tăng 4,3%, đóng cửa tại mức 24.100 đồng (ngay sát đỉnh lịch sử ghi nhận trong phiên 20/5). Mã đồng thời lọt Top 4 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 0,74 điểm.
Trước đó, trong phiên đầu tháng 7, thống kê từ TCBS cho thấy cổ phiếu HDB là bluechip ghi nhận tỷ lệ giao dịch mua chủ động của dòng tiền cá mập cao Top đầu thị trường (66%). Theo sau có MWG, VRE, SHB, HUT với tỷ lệ từ 55-63%.
Sang phiên 2/7, chỉ báo dòng tiền MCDX cho thấy vị thế tiếp tục gia tăng của các giao dịch tiền lớn, RSI vượt mức trung tính 50 điểm và hướng lên trên. Hơn 16,7 triệu cổ phiếu HDB đã được sang tay - cao gấp 2 lần trung bình 20 phiên đồng thời là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021); phe mua chủ động chiếm tới 71,6% tổng lượng giao dịch.
Tại báo cáo phân tích hồi cuối tháng 4, Chứng khoán MBS từng khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HDBank với giá mục tiêu 29.400 đồng/cp. Luận điểm được đưa ra gồm: (1) Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2024-2025 của ngân hàng dự kiến tăng trung bình 23%/năm khi tín dụng tăng 20-23% và NIM cải thiện; (2) chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện tích cực trong 2024.
>> CTCK kỳ vọng cổ phiếu VHM, HDB, MSN, HPG, MWG tích cực trong tháng 7
Bất ngờ với Fortune SEA 500: HDB, SHB, TCB, VPB... cùng VietinBank, BIDV lọt bảng xếp hạng
HDBank (HDB) chi 658 tỷ đồng để sở hữu 30% vốn của một công ty chứng khoán 18 tuổi