Vĩ mô

Hé lộ loạt thủ đoạn mới chiếm đoạt tiền thuế thời hóa đơn điện tử

Lệ Giang 27/05/2024 - 15:59

Thành lập doanh nghiệp nhưng không để kinh doanh, mục đích chính của các doanh nghiệp này là để buôn bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt thuế của Nhà nước và nhiều mục đích khác nhau. Đây là tình trạng khá phổ biến diễn ra trong thời gian qua, khi áp dụng phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp.

Loạt thủ đoạn chiếm đoạt thuế Nhà nước

Tại Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đánh giá, việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế... Từ đó, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Theo thông tin từ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, sau gần 2 năm triển khai, đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 7,2 tỷ hóa đơn, bao gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã.

Cũng theo Lãnh đạo Tổng cục Thuế, thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính, một số doanh nghiệp thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt thuế của Nhà nước và nhiều các mục đích khác nhau. Có thể kể đến như: kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp NSNN; sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hóa hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp NSNN; sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn;...

Hé lộ loạt thủ đoạn mới chiếm đoạt tiền thuế thời hóa đơn điện tử - ảnh 1
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin tại Hội thảo

Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan Thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về HĐĐT, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được người nộp thuế (NNT) có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang Cơ quan Công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm.

“Chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan Thuế cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố: 88 hồ sơ; Và cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan Công an”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn thông tin thêm.

Đánh giá về tình trạng hoạt động của các tội phạm kinh tế, Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường cho rằng, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hải Phòng, để ngăn chặn việc sử dụng HĐĐT không đúng quy định của NNT, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an thiết lập hồ sơ bản án cần xác định rõ, NNT nào mua hàng hóa thật, hóa đơn chứng từ nào là hợp pháp thì không phải xử lý; NNT nào mua hàng có hóa đơn, chứng từ khống, những số hóa đơn nào là hóa đơn khống, giá trị khống (một phần hoặc toàn bộ) là bao nhiêu?

Bởi theo Cục thuế TP Hải Phòng, nếu NNT sử dụng hóa đơn khống, chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự mà chuyển cơ quan Thuế xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan Thuế đã có đầy đủ cơ sở, tính toán đúng được số tiền thuế (trốn, thiếu) phải nộp bổ sung vào Ngân sách Nhà nước, hạn chế thấp nhất kiến nghị của NNT, từ đó mang lại hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm về hóa đơn điện tử.

Nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện HĐĐT

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Phùng Nguyễn Hải Yến cho rằng, việc triển khai HĐĐT trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục về thuế đối với Nhà nước.

Tuy vậy, việc chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới luôn đòi hỏi một thời gian để thích ứng, và chắc chắn không thể tránh khỏi các sai sót, vướng mắc trong thời gian này. Trong đó, chưa có quy định cụ thể về một số nghiệp vụ đặc thù như: Thời điểm lập hóa đơn đối với thu lãi từ hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng khi lãi vay là khoản thu đặc thù, được ghi nhận thu nhập hàng ngày; Hướng dẫn lập hóa đơn đối với thu nhập từ bán ngoại tệ, chứng khoán và chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần.

Hay việc một số hướng dẫn chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng như: phải lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế hoàn trả hàng hóa, dịch vụ tham chiếu đến hóa đơn gốc; phải lập hóa đơn điều chỉnh đối với chiết khấu thương mại; phải lập hóa đơn dịch vụ ngân hàng cung cấp theo định kỳ (ví dụ như thẻ tín dụng) chậm nhất ngày cuối tháng…

Từ đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đề xuất, đối với hoàn trả hàng hóa, dịch vụ và chiết khấu thương mại, đề nghị lập hóa đơn mới để ghi nhận thay vì lập hóa đơn điều chỉnh do đây không phải là sai sót mà là nghiệp vụ kinh doanh thông thường. Điều này cũng giúp giảm thời gian các doanh nghiệp phải kê khai điều chỉnh tờ khai thuế nhiều lần và liên tục. Đối với hóa đơn dịch vụ định kỳ, đề nghị cho phép lập vào ngày cuối định kỳ (không nhất thiết là ngày cuối tháng).

Cũng liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trên thị trường có một số đơn vị cung cấp giải pháp lập hóa đơn không cần xuất phát từ tín hiệu truyền thông của cột bơm xăng dầu như camera thông minh (tự động chụp hình ảnh màn hình giao dịch); lập hóa đơn từ máy tính tiền hoặc có thể đọc thủ công… Các giải pháp này theo Petrolimex nhận định còn khoảng trống do ảnh hưởng bởi sự can thiệp của con người đối với thông tin, cơ sở dữ liệu để lập hóa đơn điện tử và có thể chưa chính xác theo đúng quy định.

Hé lộ loạt thủ đoạn mới chiếm đoạt tiền thuế thời hóa đơn điện tử - ảnh 2
Vietcombank và Petrolimex nêu một số vướng mắc trong quá trình thực hiện HĐĐT

Ngoài ra, việc cá nhân lấy hóa đơn mua xăng dầu vẫn đang mất nhiều thời gian (ví dụ phải chọn log bán hàng, điền thông tin cá nhân) sẽ tăng khối lượng công việc cho hệ thống bán lẻ do số lượng hóa đơn rất lớn và có thể sai sót do cập nhập thông tin liên quan MST hoặc mã định danh.

Chính vì vậy, Petrolimex kiến nghị cần có chính sách cho phép các doanh nghiệp tích hợp dữ liệu khách hàng (ví dụ VNeID) để phát hành hóa đơn chính xác cho từng cá nhân mua xăng dầu, giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu có hóa đơn xăng dầu, hoặc quay số trúng thưởng… Bên cạnh đó, cần bổ sung việc phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng là điều kiện tiên quyết để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Ngành thuế tích cực phối hợp triển khai hóa đơn điện tử

Ngành thuế tích cực phối hợp triển khai hóa đơn điện tử

Thủ tướng: Sẽ rút giấy phép đơn vị kinh doanh vàng nếu không dùng hóa đơn điện tử

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/he-lo-loat-thu-doan-moi-chiem-doat-tien-thue-thoi-hoa-don-dien-tu-122966.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hé lộ loạt thủ đoạn mới chiếm đoạt tiền thuế thời hóa đơn điện tử
    POWERED BY ONECMS & INTECH