Bất động sản

Hé lộ phương án lấy nước từ sông Hồng để ‘giải cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi

Việt Hoàng 09/01/2025 17:09

Theo đó, thành phố sẽ xây dựng một trạm bơm có công suất 3-5m3/s tại bãi sông Hồng, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Công trình bao gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp và khu quản lý vận hành.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về việc triển khai dự án xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Dự án này nhằm cải thiện môi trường khu vực và đồng thời hỗ trợ các dự án giao thông quanh Hồ Tây.

Theo đó, thành phố sẽ xây dựng một trạm bơm có công suất 3-5m3/s tại bãi sông Hồng, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Công trình bao gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp và khu quản lý vận hành.

Nước từ trạm bơm sẽ được dẫn qua hệ thống đường ống chạy dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng tại khu vực gầm cầu Nhật Tân và đường An Dương Vương.

Vị trí các đập trên sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Sở Xây dựng TP. Hà Nội
Vị trí các đập trên sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Sở Xây dựng TP. Hà Nội

Tại đoạn xuyên qua đê dài khoảng 45m, thành phố dự kiến đào mở đê để xây dựng cống hộp, bên trong đặt hai đường ống, đảm bảo khả năng nâng công suất trạm bơm lên 5m3/s trong tương lai.

Sau khi vượt qua đê, tuyến ống tiếp tục đi qua đảo giao thông, chạy dọc vỉa hè đường Võ Chí Công và đưa nước vào sông Tô Lịch tại nút giao Hoàng Quốc Việt. Tổng chiều dài tuyến dẫn từ đê sông Hồng đến điểm đầu sông Tô Lịch là khoảng 5,3km.

>> Hé lộ ‘quân bài chiến lược’ giúp Vinhomes thu về hơn 10 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2026

Dọc tuyến ống sẽ có các đầu chờ để dẫn nước vào hồ Đầm Bảy thông qua ngõ 685 và 612 Lạc Long Quân.

Tại hồ Đầm Bảy, nước sẽ được xử lý trước khi bổ cập vào Hồ Tây, theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây và phụ cận do UBND quận Tây Hồ thực hiện.

Do sông Tô Lịch có độ dốc lớn, chênh lệch cao độ đáy sông tại điểm đầu tại Hoàng Quốc Việt và điểm cuối tại Thanh Liệt khoảng 2m, nên việc bổ cập nước với lưu lượng 3m3/s không đủ để tạo dòng chảy trên toàn chiều dài sông.

Hiện trạng sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Báo Đấu thầu
Hiện trạng sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Báo Đấu thầu

Vì vậy, thành phố dự kiến xây dựng thêm ba đập dâng cao su tại các vị trí: Cống Mọc, cầu Dậu và ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu. Các đập này sẽ giúp duy trì mực nước, cải thiện cảnh quan dòng sông.

Tổng mức đầu tư cho dự án được khái toán khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách TP. Hà Nội. Dự án dự kiến hoàn thành trước tháng 9/2025.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh vị trí trạm bơm cần đảm bảo an toàn trong điều kiện lũ và chất lượng nước cấp cho sông Tô Lịch.

Đồng thời, ông giao Sở Xây dựng nghiên cứu việc xây dựng đập dâng đồng bộ với dự án, nhằm giữ nước cho sông Tô Lịch vào mùa khô và hỗ trợ tiêu thoát nước sông Nhuệ vào mùa mưa bão.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất hai phương án bổ cập nước. Phương án đầu tiên là tuyến đường ống dẫn trực tiếp từ Võ Chí Công qua ngõ 685 và 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy, rồi từ đó dẫn nước sông Hồng qua hệ thống cống ngầm dưới Hồ Tây đến sông Tô Lịch.

Phương án này có ưu điểm là tuyến thi công ngắn hơn và tận dụng được các mương sẵn có nhưng gặp khó khăn về thi công cống ngầm và rủi ro trộn lẫn nước thải chưa được xử lý.

Sông Tô Lịch - một nhánh của sông Cái (nay là sông Hồng) từng có dòng chảy kết nối trực tiếp với Hồ Tây. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn, sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng đã khiến sông Tô bị cắt nguồn nước, dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.

Đến năm 1889, người Pháp quyết định lấp một phần sông Tô để xây dựng khu vực 36 phố phường nổi tiếng. Sau khi hai cửa sông bị chặn hoàn toàn, sông Tô mất đi sự liên kết với sông Hồng và Hồ Tây, dẫn đến tình trạng dòng chảy bị tắc nghẽn. Kể từ đó, con sông này dần trở thành nơi chứa lượng lớn nước thải đô thị, trong khi không có biện pháp khơi thông dòng chảy hiệu quả.

Qua hơn 2.000 năm lịch sử, từ một con sông rộng lớn mang giá trị tự nhiên và văn hóa, sông Tô Lịch nay biến thành một cống nước thải đen ngòm. Sự suy thoái này không chỉ làm Thủ đô mất đi một di sản quý giá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong suốt nhiều thập kỷ.

>> Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA làm dự án đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân

Năm nay, chung cư tại Hà Nội sẽ thiết lập 'đỉnh' mới

Hà Nội sắp có thêm 2 hầm chui nghìn tỷ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/he-lo-phuong-an-lay-nuoc-tu-song-hong-de-giai-cuu-dong-song-hon-2000-nam-tuoi-202250109160818461.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hé lộ phương án lấy nước từ sông Hồng để ‘giải cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi
    POWERED BY ONECMS & INTECH