Hé lộ số vốn 'khủng' của ngân hàng rót vào các dự án phát triển nhà ở
Nhiều tín hiệu tích cực đến với thị trường bất động sản như mức tín dụng rót vào các lĩnh vực bất động sản đều tăng so với các tháng trước đó.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/08, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 986 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 26,2 nghìn tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/07.
Trong đó, nhiều nhất là dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác với hơn 310 nghìn tỷ đồng; tiếp đến là dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở hơn 266,2 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê hơn 132,1 nghìn tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 40,6 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 56,5 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng 53,8 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng khách sạn là 64,2 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất là 62,7 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai gần như không biến động nhiều so với cuối tháng 7, đạt hơn 27,2 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế như giảm lãi suất cho vay; thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có các văn bản chỉ đạo về việc cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế đến ngày 31/08, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16,4 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115,8 tỷ đồng, chiếm 87,6% tổng số. Trong đó, nhóm bất động sản với 46,7 tỷ đồng, chiếm 35,3%.
Ngoài con số khủng từ tín dụng rót vào bất động sản, thị trường địa ốc còn đón nhận thêm tín hiệu tích cực đến từ vốn FDI. Cụ thể, tính đến quý 3/2023, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Một số tổ chức đánh giá triển vọng FDI và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức 5,8% trong năm 2023. Goldman Sachs nhận định dòng vốn FDI toàn cầu đang rời Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Fitch Ratings nhận định rủi ro tín dụng và thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đỉnh điểm.