Hiện nay, giá nhà ở xã hội vẫn khá cao do khan hiếm nguồn cung, cũng như những bế tắc trong thủ tục. Tuy nhiên, nhu cầu và "sức nóng" về loại hình nhà ở này vẫn rất lớn.
Thực tế cho thấy, từ khi có chương trình phát triển nhà ở xã hội, địa phương nào quan tâm thì công nhân lao động, người nghèo ở đó có điều kiện tiếp cận nhà ở và ngược lại. Điều này khẳng định vai trò cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu hết sức quan trọng. Các bộ, ban, ngành liên quan đang tích cực rà soát, nghiên cứu triển khai chính sách ưu đãi mới, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới thúc đẩy nhanh nguồn cung vốn về nhà ở xã hội đang khan hiếm.
Một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và Quảng Ninh, dù chưa chính thức mở bán, nhưng người dân đã xếp hàng dài đăng ký làm thủ tục, thậm chí còn xuất hiện tình trạng cò mồi, mua bán nhà ở xã hội sai quy định.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó làm rõ mục tiêu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phù hợp Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.
Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân; lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 bảo đảm nhu cầu của địa phương.
Gần đây, Quốc hội đã thông qua việc giám sát công tác phát triển nhà ở xã hội, do đó, cần triển khai quyết liệt và nhanh chóng chương trình này. Khi chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển nhà ở xã hội sẽ rõ ràng hơn vì chính địa phương là cơ quan rà soát, dự báo nhu cầu, từ đó quyết định phương thức, hạn mức, nhu cầu về vốn, quỹ đất,... dành cho nhà ở xã hội trên địa bàn.
Sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành liên quan chính là động lực, cơ sở thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên cả nước.
Hoàn thiện đồng bộ chính sách
Quỹ đất sạch và nguồn vốn lâu nay được xem là hai rào cản lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, để có mặt bằng sạch thực hiện chính sách nhà ở xã hội, phải trả phí đền bù rất cao, chỉ còn cách trông vào quỹ đất công. Nhưng nếu chỉ trông vào đây thì rất khó hoàn thành mục tiêu tại Đề án đầu tư ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội.
Do vậy, chính quyền địa phương phải hình thành quỹ nhà ở cho thuê giá rẻ cho người lao động không có khả năng mua nhà, không có chỗ ở. Nước ta chưa có chính sách rõ ràng về việc này trong khi ở hầu hết các nước, việc xây dựng nhà ở xã hội nói riêng và nhà ở nói chung là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Để "hóa giải" rào cản trên, Chính phủ chỉ nên quy định chính sách chung và phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, có cơ chế cho phép doanh nghiệp xây dựng dự án chung cư thương mại, khu đô thị mới được lựa chọn dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội hoặc nộp một khoản tiền tương ứng vào quỹ phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Tại các địa phương, nhất là thành phố lớn - cần hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội, hình thành từ các nguồn ngân sách, xổ số kiến thiết, thu 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, vốn ODA, nguồn huy động của nhà đầu tư trong tương lai,...
Trong bối cảnh hiện tại, vấn đề về nguồn vốn càng trở nên khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội nói riêng không có nguồn vốn thanh khoản. Các ngân hàng đang triển khai gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so lãi suất cho vay trung-dài hạn (đồng Việt Nam) bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường theo từng thời kỳ được đánh giá là tín hiệu tích cực, giúp làm nóng lại thị trường nhà ở xã hội vốn "đóng băng" sau khi gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng kết thúc.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và người dân chưa mấy mặn mà với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng khi mặt bằng lãi suất cho vay còn khá cao (8,2%), nếu so lợi nhuận định mức 10% của dự án nhà ở xã hội, cũng như mức lãi vay 4,8-5% cố định trong 20 năm theo gói 30.000 tỷ đồng.