Hiện trạng những khu đất trải dài hàng nghìn mét từng được kỳ vọng là "gà đẻ trứng vàng" của Tân Hoàng Minh
Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng là doanh nghiệp từng sở hữu nhiều mảnh "đất vàng". Vậy sau sự vụ của ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn thì số phận những khu đất này giờ ra sao?
Dự án Cao ốc văn phòng tại số 43 - 45 - 47 Nguyễn Thị Minh Khai
Dự án tại số 43 - 45 - 47 Nguyễn Thị Minh Khai là một trong số ít ỏi tài sản của Tân Hoàng Minh tại trung tâm TP.HCM.
Nguồn ảnh: Vân khánh group
Dự án này vốn được biết đến với tên thương mại D'. Saint Raffles do CTCP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông, một công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh Group làm chủ đầu tư. Dự án động thổ vào tháng 11/2019.
Vào ngày 20/9 vừa qua, trên fanpage Delta Group, giới thiệu là fanpage chính thức của Tập đoàn xây dựng Delta đã đăng tải thông tin về việc tổ chức lễ cất nóc dự án cao ốc văn phòng tại số 43, 45, 47 Nguyễn Thị Minh Khai. Đáng chú ý, hình ảnh trên tấm backdrop của sự kiện có xuất hiện logo ‘LPBank’ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.
Đáng chú ý, theo thông tin tra cứu trên hệ thống của Tổng cục Thuế, địa chỉ nhận thông báo thuế của Công ty Ngọc Viễn Đông hiện nay cũng là địa chỉ trụ sở chính của Ngân hàng LPBank (phố Trần Quang Khải, Hoàng Kiếm, Hà Nội).
Bởi vậy, đang có nhiều nghi vấn về sự "đổi chủ" tại dự án D'. Saint Raffles sang Ngân hàng LPBank nơi ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) đang làm Chủ tịch HĐQT.
Khu "đất vàng" 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn
Bên cạnh đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng là đơn vị trúng thầu khu "đất vàng" diện tích 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Khu "đất vàng" 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn. Nguồn ảnh: Gtimes
Năm 2015, tập đoàn này đã trả mức giá cao nhất trong phiên đấu giá là 1.430 tỷ đồng để có thể sở hữu khu đất trên, gấp 2,5 lần giá khởi điểm.
Sau đó, doanh nghiệp đề nghị hủy kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá, rồi lại đề nghị tiếp tục được mua lại và nộp thêm hơn 260 tỷ đồng do quá thời gian quy định. Năm 2017, Tân Hoàng Minh sở hữu chính thức khu đất trên.
Sau đó, lô đất trên được xây dựng thành công trình Techcombank Sai Gon Tower - trụ sở mới của Ngân hàng Techcombank. Dự án gồm 21 tầng nổi và 5 tầng hầm, sử dụng kiến trúc thông tầng cao 40m tạo thành điểm nhấn đặc biệt. Hiện tại, công trình đã được đưa vào sử dụng.
Được biết, việc "đất vàng" 23 Lê Duẩn, quận 1 về tay Techcombank đã được Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh đề cập từ cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2019. Thời điểm đó, ông Hùng Anh cho biết trụ sở thứ 2 của ngân hàng sẽ được xây dựng trên lô đất 23 Lê Duẩn.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Tân Hoàng Minh cũng từng gây xôn xao thị trường khi trúng đấu giá lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Sự kiện này đưa Thủ Thiêm có mức giá đất cao nhất TPHCM và cũng là mức đỉnh tại Việt Nam.
Nguồn ảnh: VnExpress
Sau đó, chủ tịch Tân Hoàng Minh xin bỏ tiền cọc lô đất (588 tỷ đồng) và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Lô đất mà Tân Hoàng Minh từng bỏ cọc nằm trong danh sách mà Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM gửi UBND TP về kế hoạch tổ chức đấu giá lại. Theo đó, lô đất 3-12 sẽ được đấu giá sau khi đấu thành công các lô 1-2,1-3 thuộc Khu chức năng số 1 và lô đất 3-5 thuộc Khu chức năng số 3. Dự kiến, các lô này sẽ được đấu giá chậm nhất vào tháng 7/2024.
Dự án đất “kim cương” ở Hàng Bài
Khu “đất kim cương” 22-24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đối diện Tràng Tiền Plaza với diện tích 4.000 m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang.
Các căn hộ ở đây sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn, giá bán dao động 7-35 tỷ đồng.
Khu đất dự án này có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2.
Nguồn ảnh: Tintuc.vn
Được giao đất từ năm 2011 nhưng cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, dự án lại được chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes và đơn vị này triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.
Dự án D'.Le Roi Soleil - Quảng An
Dự án D’.Le Roi Soleil tọa lạc tại số 59 Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Được biết, đây là dự án định vị ở phân khúc cao cấp, là tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ quốc tế, căn hộ chung cư được nằm tại vị trí đẹp nhất trên bán đảo Quảng An.
Dự án D’.Le Roi Soleil - Quảng An xây dựng trên diện tích là 4.046 m2, tương đương với mật độ 44%. Quy mô gồm hai tòa tháp căn hộ cao 25 tầng, một tòa tháp dịch vụ 8 tầng và 5 tầng hầm để xe, tổng số 498 căn hộ. Giá trên thị trường rao bán căn tại dự án này từ 80-100 triệu đồng/m2.
Một căn hộ ở D’.Le Roi Soleil bán giá thấp nhất rơi vào khoảng 4,5 tỷ đồng/căn; nếu là căn hộ trên 100 m2 thì khoảng 8 tỷ đồng/căn.
D’.Le Roi Soleil được giới đầu tư biết đến với những lời quảng bá về căn hộ đẳng cấp, siêu sang như “tuyệt phẩm kiến trúc Pháp bên Hồ Tây” hay "được kiến tạo là nơi hội tụ những giá trị sống vượt trội, sẽ đem đến cho bạn những phút giây tận hưởng cuộc sống đích thực với những tiện nghi cao cấp nhất của cuộc sống hiện đại…".
Tuy nhiên, giữa năm 2019, dự án D’.Le Roi Soleil của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh vướng phải lùm xùm khi bị cư dân tố lừa dối khách hàng.
Cụ thể tại thời điểm này, theo phản ánh của những cư dân đầu tiên sinh sống ở chung cư D’.Le Roi Soleil, từ thời điểm tòa nhà khu căn hộ đi vào vận hành (từ ngày 29/1/2019), rất nhiều vấn đề đã và đang tồn tại chưa được giải quyết như: Đánh số tầng hầm, biển chỉ dẫn hướng lối đi, sơ đồ từng tầng, nội quy tòa nhà... đều chưa có. Nội thất trong thang máy tòa nhà được ốp lát bằng gỗ bốc mùi rất khó chịu.