Hình ảnh lũ lụt hiếm thấy tại châu Âu
Những ngày nay, người dân tại nhiều khu vực châu Âu phải sống trong cảnh ngập lụt kinh hoàng.
Tình trạng lũ lụt tại châu Âu do mưa lớn và bão hiện đang tàn phá hàng loạt khu vực như miền Bắc Italy, Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan...
Lũ lụt và lở đất ở Đức
Tại bang Saarland phía Tây Nam nước Đức, mưa lớn đã dẫn đến lũ lụt và lở đất, buộc nhiều người dân phải di dời do mực nước dâng cao.
Bà Anke Rehlinger (Thủ hiến bang Saarland, Đức) cho biết: "Đây là tình thế khó khăn nhất kể từ trận lũ lịch sử 30 năm trước. Chúng tôi chưa có đánh giá toàn bộ nhưng thiệt hại ước tính rất lớn. Nhiều người vẫn đang phải căng mình chặn nước tràn vào nhà hoặc tát nước khỏi nhà của họ. Rất may là mưa đã ngớt dần, lực lượng chức năng sẽ tận dụng điều kiện này để kiểm soát tình hình lũ lụt và thực hiện công tác cứu trợ khẩn cấp".
Mặc dù giới chức đã dỡ cảnh báo thời tiết khắc nghiệt cho một số khu vực do nước đang dần rút, hàng trăm nhân viên dịch vụ khẩn cấp vẫn được huy động để dọn dẹp đường phố và khắc phục hậu quả.
Bỉ: Lũ lụt tràn vào nhà dân
Tại Bỉ, tỉnh Liege cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt. Thống đốc Herve Jamar cho biết chính quyền nhận được hàng trăm yêu cầu hỗ trợ từ người dân.
Khoảng 150 lính cứu hỏa đã được triển khai trong khi các dịch vụ khẩn cấp cung cấp tiến hành bơm nước ra khỏi các tòa nhà bị ngập lụt.
Anh Floren Bertand (người dân làng Moelingen, Bỉ) cho biết: "Nước lũ tràn vào phòng khách rồi bếp khiến không còn thứ gì là khô ráo. Chúng tôi chỉ còn có thể vứt đồ đạc đi rồi bắt tay vào quét dọn bùn đất".
Mưa lớn song hành cùng nắng nóng tại Italy
Trong khi đó, miền Bắc Italy đang hứng chịu những cơn bão dữ dội và lượng mưa lớn, khiến một số khu vực được ví như vừa hứng chịu một quả bom nước. Chính quyền địa phương đã phải sử dụng xuồng ba lá để đưa người dân khỏi những ngôi nhà bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Thành phố Milan (Italy) ghi nhận lượng mưa tới 130mm chỉ trong một ngày, gây ra lũ quét chưa từng thấy trong hơn 170 năm qua.
Cùng thời điểm, miền Nam Italy đang trải qua đợt nắng nóng trái mùa, với nhiệt độ lên tới 35°C khiến nhiều rơi vào tình cảnh hạn hán và khan hiếm nước.
Pháp cảnh báo dông bão lớn
Pháp cũng đang trải qua thời tiết khắc nghiệt khi cơ quan dự báo thời tiết nước này đã đặt 39 tỉnh trong tình trạng cảnh báo vàng về dông bão. Một số nơi tại Pháp cũng vừa trải qua một đợt mưa dữ dội và kéo dài suốt 24 giờ.
Theo số liệu của Cơ quan môi trường Liên minh châu Âu, lục địa này đang nóng lên nhanh nhất thế giới với tốc độ gấp đôi toàn cầu, khiến nguy cơ lũ lụt và nắng hạn luôn thường trực.
Các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, hạn hán ngày càng tăng ở khu vực Nam và Bắc Âu, còn các nước ở vùng ven biển trũng lại đối mặt với nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn. Tình trạng ấm lên toàn cầu nhanh chóng càng làm tăng thêm nhiều khó khăn cho châu Âu trong việc ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Lũ lụt ở Yakutia (Nga), hàng trăm người phải sơ tán
Hàng trăm người dân buộc phải sơ tán khi lũ lụt xảy ra tại vùng Yakutia ở miền Bắc nước Nga.
Lũ lụt không phải là điều bất thường trong tháng 5 khi nhiệt độ bắt đầu tăng lên trên 0℃ tại khu vực này. Tuy nhiên, năm nay, mực nước dâng cao nhanh chóng khiến người dân vùng Yakutia bị bất ngờ. Theo thông tin chính thức, lũ lụt không gây thương vong nhưng cơ sở hạ tầng ở Yakutia bị thiệt hại đáng kể, cũng như nhiều gia súc bị chết.
Trước đó, Thống đốc khu vực Alexander Moor hôm 15/5 cho biết tình hình lũ lụt lại trở nên tồi tệ hơn ở tỉnh Tyumen của Nga khi mực nước sông Irtysh dâng cao.
1/8 dân số châu Âu hiện đang sống trong khu vực có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng
Cứ 8 người châu Âu thì có 1 người đang sống ở những khu vực có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng cũng nằm trong những khu vực nguy hiểm này.
Các phát hiện trên được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) về tác động của biến đổi khí hậu đối với toàn bộ chu trình nước, bao gồm cả hạn hán và cháy rừng.
Theo báo cáo, trong 40 năm qua, những cơn bão dữ dội đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.582 người ở châu Âu và mức độ nguy hiểm vẫn còn cao.
Bà Aleksandra Kazmierczak, chuyên gia về khí hậu và sức khỏe tại EEA cho biết khoảng 15% cơ sở công nghiệp ở châu Âu có thể đang nằm trên các vùng đồng bằng ngập lụt. Ngoài ra, 11% các bệnh viện cũng nằm trong những khu vực có nguy cơ cao.
Báo cáo nói rằng hạn hán và sóng nhiệt cũng đe dọa chất lượng nguồn nước khi làm tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm. Những sự kiện tích lũy này đặt ra vấn đề về việc tiếp cận nguồn nước cho người dân và ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của các nhà máy điện hạt nhân và nông nghiệp.
"Ví dụ, vào năm 2022, chúng ta đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng ngô và dầu ô liu, đặc biệt là ở miền Nam châu Âu. Thiệt hại do hạn hán gây ra trong các lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp nước và năng lượng ước tính khoảng 9 tỷ euro mỗi năm", bà Aleksandra Kazmierczak tiết lộ.
X của Elon Musk thổi bùng tranh cãi từ châu Á sang châu Âu
3 ông lớn ngân hàng châu Âu bị Nga tịch thu tài sản gần 1 tỷ USD