Hồ nhân tạo lớn thứ hai cả nước được ví như 'vịnh Hạ Long trên núi' chuẩn bị được quy hoạch thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, chỉ cách Hà Nội 140km

29-05-2024 09:11|Thùy Dung

Thực chất đây là hồ nhân tạo phục vụ thủy điện nhưng cảnh quan tại nơi đây khiến nhiều người liên tưởng đến vịnh Hạ Long của đất trời Tây Bắc.

‘Vịnh Hạ Long’ của vùng núi Tây Bắc

Nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên bái, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Đây là một phần của công trình Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Mục đích ban đầu khi xây dựng hồ vào năm 1970 là điều tiết dòng chảy của sông Chảy, tạo ra hồ nước cung cấp cho công trình của nhà máy thủy điện Thác Bà. Theo các thống kê, mực nước ở hồ dao động từ 46 - 58m, chứa được từ khoảng 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước.

Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo có quy mô lớn nhất tại Việt Nam

Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo có quy mô lớn nhất tại Việt Nam

Ngoài sông Chảy là nguồn cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngoài lớn khác xung quanh như ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về. Từ đó làm tăng lượng phù sa lớn và đa dạng hóa các loài sinh vật cho hồ. Quy mô toàn bộ lòng hồ rộng tới 20.000ha mặt nước, trải dài khoảng 80km và gồm hơn 1300 hòn đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động đẹp, ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.

Bao quanh hồ Thác Bà là hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ trên làn nước trong xanh. Vào mùa khô - thời điểm mực nước xuống thấp, những hòn đảo rộng ra nhờ phần chân đế nhô cao trên mặt nước, tạo ra nhiều hình lạ mắt. Đây cũng chính là lý do khiến người dân địa phương đã ví hồ Thác Bà “vịnh Hạ Long” giữa núi rừng Tây Bắc .

Không chỉ có mặt hồ tĩnh lặng, không gian xung quanh nơi đây còn được bao bọc bởi núi rừng hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn. Tất cả tạo nên khung cảnh ấn tượng khiến bất kỳ ai ghé thăm cũng đều thích thú.

Đến nay, sau hơn 50m xây dựng, hồ Thác Bà không chỉ đảm bảo tốt nhiệm vụ chính là cung cấp nước cho hoạt động sản xuất điện tại nhà máy thủy điện Thác Bà, cung cấp một nguồn điện ổn định để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân miền Bắc, tạo cơ sở để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn cho nước ta. Hơn hết, hồ Thác Bà đã làm tốt sứ mệnh điều tiết và giảm nhẹ lũ lụt cho vùng đồng bằng, góp phần phát triển du lịch Yên Bái, cải tạo môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích Lịch sử thắng cảnh cấp Quốc gia

Năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích Lịch sử thắng cảnh cấp Quốc gia

Với cảnh quan và những giá trị thực tế mang lại, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích Lịch sử thắng cảnh cấp Quốc gia vào năm 1996.

Định hướng phát triển vươn tầm quốc tế

Để phát huy hết tiềm năng sẵn có của hồ Thác Bà, đưa vùng đất này trở thành động lực phát triển của du lịch cả nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà. Mục tiêu đến năm 2040, đây sẽ trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu, với sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Quy hoạch xác định đây là Khu Du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu.

Đây còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong tương lai, hồ Thác Bà được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế

Trong tương lai, hồ Thác Bà được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế

Quy hoạch cũng nêu rõ bảo vệ và phát huy giá trị mặt nước hồ Thác Bà, hệ thống các đảo trong lòng hồ, các điểm cao có tầm nhìn đẹp (như núi Chàng Rể, núi Cao Biền...), các hang động tự nhiên, cảnh quan ruộng bậc thang đặc trưng (huyện Lục Yên, huyện Yên Bình), làng, bản dân tộc truyền thống và điểm danh thắng hấp dẫn trong Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.

Quá trình xây dựng cần khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà như: Giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, giao thông thủy bộ kết nối; nghiên cứu tác động của tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, quốc lộ 70, quốc lộ 37, quốc lộ 2D, sân bay… đến quá trình lập quy hoạch và định hướng phát triển để khai thác lợi thế của Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các điểm du lịch khác trong tỉnh Yên Bái, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, gồm: Khu du lịch quốc gia Tân Trào, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, Khu du lịch quốc gia Sapa, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải...

>> Phát hiện 'Viên ngọc thô' du lịch được bao bọc bởi hồ thủy điện rộng lớn cách Phan Thiết chỉ 60km, kỳ vọng sẽ tỏa sáng nhờ 'cú hích' cao tốc Bắc - Nam

Khám phá hồ nước ‘tử thần’, quanh năm sôi sùng sục: Đã từng biến mất hơn 120 năm, nguy hiểm nhưng vẫn hút du khách

Ngôi nhà đặc biệt giữa lòng Thủ đô được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, là nơi đặt chân đầu tiên của Bác Hồ khi trở về từ Việt Bắc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ho-nhan-tao-lon-thu-hai-ca-nuoc-duoc-vi-nhu-vinh-ha-long-tren-nui-chuan-bi-duoc-quy-hoach-thanh-trung-tam-du-lich-tam-co-quoc-te-chi-cach-ha-noi-140km-d123841.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hồ nhân tạo lớn thứ hai cả nước được ví như 'vịnh Hạ Long trên núi' chuẩn bị được quy hoạch thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, chỉ cách Hà Nội 140km
POWERED BY ONECMS & INTECH