Tài sản nắm giữ của ông Lương Trí Thìn chủ yếu là cổ phiếu DXG trị giá nghìn tỷ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày vừa qua bất ngờ với nhiều thông tin bán giải chấp cổ phiếu của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, người nhà và những cổ đông lớn, cổ đông liên quan. Nguyên nhân chính là nhiều cổ phiếu giảm sâu, dò đáy khiến giá nhiều cổ phiếu “bốc hơi” hàng chục %, thậm chí nhiều cổ phiếu giảm quá nửa chỉ sau một vài tháng.
Tuy vậy, trong làn sóng bị các công ty chứng khoán bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu của nhiều doanh nhân nổi tiếng, thì việc một vài người chi hàng trăm tỷ đồng để “bắt đáy”, hay “đỡ giá” cổ phiếu lại khiến nhiều nhà đầu tư chú ý. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG), là một ví dụ.
Trước đó không lâu, cuối tháng 10/200 ông Lương Trí Thìn thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Lúc đó ông Thìn đang sở hữu 114,89 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,86%). Thời điểm này, nếu nhìn một giao dịch đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu, các nhà phân tích, các diễn đàn chứng khoán thường “bình luận” một câu như là việc lãnh đạo doanh nghiệp tung “phao cứu sinh” thông qua việc đổ thêm tiền vào thị trường. Cũng không ít giao dịch đăng ký mua của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cùng nổ ra thời điểm đó, và số cổ phiếu thực sự được mua vào không nhiều.
Có thể lấy ví dụ như bà Thanh Huyền, con gái Chủ tịch HĐQT DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn, kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty đăng ký mua đến 20 triệu cổ phiếu DIG nhưng kết quả chỉ mua chưa được 5 triệu cổ phiếu do chưa thu xếp kịp tài chính. Không những thế, bà Thanh Huyền còn bị nhiều công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu do call margin.
Cùng "đau đầu" vì bị call margin, bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu còn có rất nhiều lãnh đạo DIC Corp như ông Nguyễn Thiện Tuấn, ông Nguyễn Hùng Cường...
Vì thế việc ông Lương Trí Thìn đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, và vừa báo cáo đã chi hơn trăm tỷ đồng mua đủ số lượng lại khiến nhiều nhà đầu tư để ý. Thời điểm này có hơn trăm tỷ đỡ giá cổ phiếu vẫn được xem là “hiện tượng”.
Xét tài sản ông Lương Trí Thìn, sau giao dịch ông Thìn sở hữu gần 125 triệu cổ phiếu DXG. Với giá đóng cửa phiên 9/11/2022 ở mức 11.350 đồng thì khối cổ phiếu DXG mà ông Thìn nắm giữ có giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng. Và phiên hôm qua (10/11/2022), khi DXG “lau sàn”về mức 10.600 tỷ đồng, thì khối tài sản của ông Thìn vừa “bốc hơi” gần trăm tỷ, vẫn còn giá trị khoảng 1.300 tỷ đồng.
Ông Lương Trí Thìn sinh năm 1976 tại Thanh Hoá. Ông là một cử nhân kinh tế. Tiếng tăm của ông Lương Trí Thìn được giới đầu tư biết đến gắn liền với Tập đoàn Đất Xanh – một doanh nghiệp Bất động sản có tiếng trên thị trường.
Về quá trình công tác, ông Lương Trí Thìn từng kinh qua các công việc tại Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn Hoa Anh Đào (từ 1996 đến 2000) và CTCP Du lịch địa ốc Anh Pháp Nhật trong 3 năm từ 2000 đến 2003.
Từ năm 2003 đến nay ông Lương Trí Thìn gắn bó với Đất Xanh ở cương vị người sáng lập, Chủ tịch HĐQT và một thời từng kiêm nhiệm luôn vị trí Tổng Giám đốc công ty. Ngoài ra ông Lương Trí Thìn cũng từng kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác tại các công ty con, công ty liên kết của Đất Xanh.
Không như nhiều doanh nhân khác, người nhà của ông Lương Trí Thìn tham gia công tác tại Đất Xanh và những công ty liên quan không nhiều.
Ông Lương Trí Thảo, anh trai ông Lương Trí Thìn, là thành viên có nhiều hoạt động trong giới doanh nhân nhất. Ông Thảo từng là Thành viên ĐQT của Tập đoàn Đất Xanh, và đã từ nhiệm vào tháng 6/2021 vừa qua. Trước đó tháng 4/2020 ông Lương Trí Thảo cũng đã từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư LDG. Hiện tại ông Lương Trí Thảo đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư Bất động sản Bình Dương. Ông Thảo đang sở hữu gần 5,9 triệu cổ phiếu DXG và gần 114.000 cổ phiếu DXS.
Các thành viên khác trong gia đình như ông Lương Trí Tú, em trai; bà Trần Thị Yến Chinh - chị dâu (vợ ông Lương Trí Thảo) đều không nắm giữ chức vụ tại Đất Xanh, nhưng có nắm giữ một số cổ phần DXG.
Tập đoàn Đất Xanh tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh, thành lập năm 2003, có vốn điều lệ ban đầu 800 triệu đồng với 10 nhân viên. Công ty hoạt động như là một nhà phân phối các dự án bất động sản tại Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Năm 2007 công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư với các dự án quy mô lớn dần.
Năm 2009 đánh dấu bước ngoặt mới khi Đất Xanh lên sàn. Thời điểm đó vốn điều lệ công ty đạt 80 tỷ đồng tương ứng 8 triệu cổ phiếu. Tổng tài sản đạt gần 550 tỷ đồng, nợ phải trả 386 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông trước khi lên sàn ghi nhận ông Lương Trí Thìn nắm giữ 4,18 triệu cổ phần tương ứng 52,25% vốn điều lệ. Tính theo mệnh giá, số cổ phần Đất Xanh Group ông Lương Trí Thìn nắm giữ lúc lên sàn gần 42 tỷ đồng.
Đưa cổ phiếu lên sàn trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trong giai đoạn tăng tốc trở lại, nhu cầu nhà ở tăng mạnh, Đất Xanh tham vọng trở thành Tập đoàn vững mạnh vào năm 2013 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản 5.000 tỷ đồng. Để đặt nền móng cho tham vọng phát triển, năm 2011 Đất Xanh chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức Tập đoàn.
Tuy vậy đến năm 2015 Đất Xanh mới hoàn thành nguyện vọng tăng vốn điều lệ lên nghìn tỷ và tổng tài sản vượt 5.000 tỷ đồng vào năm 2016.
Quá trình phát triển Đất Xanh liên tục tăng vốn điều lệ đều đặn hàng năm. Từ mức 80 tỷ đồng năm 2009 lên sàn, đến nay sau hơn chục năm vốn điều lệ Đất Xanh đã tăng gấp 76 lần lên trên 6.100 tỷ đồng.
Đến nay Đất Xanh định hướng phát triển đa ngành nghề với 5 lĩnh vực kinh doanh chính là Phát triển Bất động sản khu đô thị, Dịch vụ Bất động sản; Xây dựng; Tài chính và công nghệ. Trong đó từng mảng kinh doanh giao về cho các đầu mối quản lý.
Báo cáo ghi nhận tổng quỹ đất đang phát triển của Đất Xanh đến hết năm 2021 đạt 4.100ha với tổng tài sản hơn 28.200 tỷ đồng. Đến nay Đất Xanh Group có 78 đơn vị thành viên với hơn 100.000 cộng tác viên khắp nơi.
Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2021 đạt gần 10.100 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 1.600 tỷ đồng. Tuy vậy kết quả kinh doanh của Đất Xanh cũng không tăng trưởng đều đặn hàng năm, mà biến động khá nhiều. Năm 2021 lãi sau thuế gần 1.600 tỷ đồng nhưng năm 2020 lại ghi nhận lỗ - số lỗ đầu tiên sau nhiều năm lên sàn. Trong khi đó các năm 2017, 2018, 2019 đều lãi hàng nghìn tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/9/2022 tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.077 tỷ đồng, giảm gần 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng (537 tỷ đồng – giảm 370 tỷ đồng so với đầu năm) và tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng (532 tỷ đồng – giảm gần 1.300 tỷ đồng so với đầu năm). Đất xanh còn có khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng trị giá hơ 172 tỷ đồng tại ngân hàng.
Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đến cuối quý 3 lên đến 5,982 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó có đến gần 1.500 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn (và dài hạn đến hạn trả) và gơn 1.900 tỷ đòng vay trái phiếu dài hạn.
Đất Xanh tăng vốn nhanh chóng, tài sản ông Lương Trí Thìn cũng tăng mạnh. Trên thương trường Chủ tịch HĐQT Đất Xanh - ông Lương Trí Thìn - được biết đến là một trong những vị lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên giao dịch cổ phiếu lượng lớn mỗi lần đăng ký mua/đăng ký bán.
Xét về tài sản, từ mức giá trị cổ phần Đất Xanh nắm giữ khi công ty lên sàn niêm yết gần 42 tỷ đồng đến nay tài sản ông Lương Trí Thìn đạt 1.300 tỷ đồng – tương ứng tăng khoảng 30 lần.
Tài sản nắm giữ bằng cổ phiếu của ông Thìn tăng mạnh, nhưng hiện tại giá cổ phiếu DXG sau nhiều lần điều chỉnh đã về sát mệnh giá, đạt 10.600 dồng/cổ phiếu. Vậy tài sản của vị doanh nhân này tăng từ những nguồn nào?
Từ nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng?
Đất Xanh Group là doanh nghiệp rất ít khi trả cổ tức bằng tiền mặt. Số lần trả hiếm hoi đếm trên đầu ngón tay, ví dụ như năm 2017 có lần trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%. Và lùi lại trước đó từ năm 2010 Đất Xanh trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 35%.
Tuy vậy Đất Xanh lại thường xuyên trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Đây cũng là nguyên nhân làm cho lượng cổ phiếu sở hữu của các cổ đông tăng lên.
Một đặc điểm khác, Đất Xanh tăng vốn nhanh chóng qua nhiều lần phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán ưu đãi. Giá chào bán mỗi đợt phát hành đều bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Những năm gần đây Đất Xanh trả cổ tức thông thường tỷ lệ từ 13% - 22% hàng năm. Đợt trả cổ tức cao nhất từ sau năm 2010 là phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 22%.
Ngoài ra thêm một số lần phát hành cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó lần gần đây nhất, cuối năm 2021 Đất Xanh phát hành 77,7 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%.
Từ mua/bán cổ phiếu?
Thông tin cho thấy trên thị trường chứng khoán cổ phiếu DXG chỉ có nhịp tăng “khủng” nhất từ vùng giá 35.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022 lên xấp xỉ 46.700 đồng/cổ phiếu – phá đỉnh. Còn tính xa hơn, từ đầu 2021 đến cuối 2021 cổ phiếu DXG cũng có tỷ lệ tăng 150% từ vùng giá 13.800 đồng/cổ phiếu lệ 35.000 đồng/cổ phiếu.
Trở lại năm 2022 – năm nhiều biến động nhất của cổ phiếu này, mức đỉnh trên 46.000 đồng/cổ phiếu không giữ được lâu, DXG “lao dốc” về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 6/2022 rồi có nhịp hồi phục nhẹ về quanh 30.000 đồng/cổ phiếu trước khi lao dốc không phanh như hiện nay, quanh vùng giá 10.400 đồng/cổ phiếu – sát mệnh giá.
Như vậy nếu “giỏi” mua/bán cổ phiếu trên thị trường, thì ông Lương Trí Thìn cũng chỉ “ăn chênh giá” với tỷ lệ % không quá lớn.
Tuy vậy lịch sử giao dịch ghi nhận ông Lương Trí Thìn không thường xuyên bán cổ phiếu, chủ yếu mua gom. Số liệu ghi nhận tháng 6/2014 ông Thìn bán ra 10 triệu cổ phiếu.
Vậy lượng cổ phiếu nghìn tỷ hiện tại ông Thìn nắm giữ chủ yếu do ông bỏ tiền “mua gom” và thêm số cổ phiếu nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng.
Thông tin từ các kỳ báo cáo tình hình quản trị của công ty cho thấy số dư cổ phiếu của ông Lương Trí Thìn qua các năm phần lớn từ mua gom thêm và nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng.
Tài sản từ nguồn lương, thù lao?
Đất Xanh là doanh nghiệp không thường xuyên công bố thông tin về lương/thù lao nhận được hàng năm của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Những năm đầu khi đưa cổ phiếu lên sàn báo cáo tài chính ghi nhận mức lương của Tổng Giám đốc công ty năm 2009 đang khoảng 228 triệu đồng, thì đến năm 2011 lên gần 600 triệu đồng/năm.
Che giấu nhiều thông tin về ông Lương Trí Thìn và các bản án, Đất Xanh (DXG) bị phạt nặng
Tập đoàn Đất Xanh bị phạt nặng, nhiều thông tin liên quan tới ông Lương Trí Thìn