Hồ thủy điện lớn nhất miền Nam đóng đập, nghìn người kéo nhau săn cá 'khủng'
Sau một tuần xả lũ, hồ thủy điện lớn nhất miền Nam chính thức đóng đập, hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về chân đập săn 'lộc trời', với mong muốn săn được những con cá "khủng".
14h chiều nay (30/9), thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chính thức đóng đập sau 1 tuần xả lũ. Hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về chân đập để bắt cá, với hy vọng bắt được nhiều cá lớn.
Ghi nhận của VietNamNet, từ giữa trưa, dòng người mang theo đủ loại ngư cụ như lưới, câu, vợt, xuồng, thúng... tập kết ở khu vực chân đập. Mọi người tranh nhau chiếm những vị trí thuận lợi, háo hức chờ đợi khoảnh khắc săn những con cá lớn.
Năm nay lượng người tham gia đông đảo hơn so với các năm trước. Không chỉ có dân địa phương, mà còn có rất nhiều người từ các nơi lân cận như TP Biên Hòa, Trảng Bom, Định Quán…
Thậm chí có cả người từ các tỉnh Bình Dương, TPHCM cũng kéo đến để trải nghiệm cảm giác thú vị này.
Nhiều người xuống đập bắt cá, phía trên bờ các thương lái cũng có mặt để thu mua và bán lại cho những người đến trải nghiệm.
Anh Nguyễn Đình Thảo (ngụ Bình Dương) cho biết, khi hay tin thủy điện Trị An đóng đập, anh cùng nhóm bạn ở tận Bình Dương chạy qua để săn bắt cá. Anh mong muốn "săn" được những con cá tươi ngon về cho gia đình.
Chỉ hơn 10 phút sau khi đóng đập thủy điện, dòng người nhanh chóng chiếm trọn các bãi đá, bụi cây ven bờ. Dòng người lội xuống nước chèo thuyền, bơi lội để may mắn săn được “lộc trời”.
Anh Nguyễn Hoàng (ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cầm trên tay con cá mè hoa nặng 11kg chia sẻ: “Tôi rất thích cảm giác được tự tay bắt những con cá tươi ngon. Cá ở đây rất ngon, thịt chắc và ngọt”.
Được biết, khi thủy điện xả nước, cá từ sông Đồng Nai sẽ theo dòng nước lên thượng nguồn. Khi đập đóng lại, cá bị kẹt lại ở khu vực chân đập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đánh bắt.
Hồ thủy điện Trị An rộng 323km2 nằm trên sông Đồng Nai, là công trình thủy điện lớn nhất miền Nam. Ngoài mục đích sản xuất điện lưới quốc gia, công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ... cho vùng hạ lưu sông. |