Trong đợt rà soát này, DOC cũng xác định một công ty xuất khẩu của Việt Nam không đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng rẽ, do đó nhận mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 18 (POR18) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2020 - 31/7/2021 với cá tra, basa Việt Nam.
Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng đối với từng công ty căn cứ vào kết quả của các đợt rà soát gần nhất trước đó.
Đáng lưu ý, trong POR17, DOC xác định 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam nhận được mức thuế lần lượt là 0,00 USD/kg và 3,87 USD/kg, 1 công ty nhận thuế suất riêng rẽ 1,94 USD/kg và 32 công ty nhận mức thuế suất toàn quốc 2,39 USD/kg.
Trong đợt rà soát POR18 này, DOC cũng xác định một công ty xuất khẩu của Việt Nam không đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng rẽ, do đó nhận mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, DOC đang tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/7/2022 đối với cá tra, basa Việt Nam.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam và phía Hoa Kỳ theo dõi, cập nhật thông tin để xử lý các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.
Thống kê từ VASEP cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 7,6 tỷ USD, tăng khoảng 36,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu cá tra, basa đạt kim ngạch khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 81% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu cá tra, basa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022 lần lượt gần 500 triệu USD và 428 triệu USD.
Mặc dù bị áp thuế từ năm 2003 đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế chống bán phá giá 0.00 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường lớn như Hoa Kỳ.
Dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh năm 2022 tăng 30%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Anh nằm trong Top 10 thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam, chiếm 3% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang Anh tăng 3,5% đạt 213 triệu USD.
Riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt trên 7 triệu USD. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Anh đạt gần 47 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh chiếm 79%, cá tra chế biến chiếm 17%, còn lại là cá tra nguyên con chiếm 4%.
VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Anh những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực hơn so với đầu năm, nhất là với những mặt hàng như cá tra đang hồi phục mạnh. Với đà tăng trưởng thuận lợi như hiện nay, dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh sẽ đạt khoảng 67 triệu USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Về lợi thế thuế quan, với Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nghĩa là cá tra có lộ trình giảm thuế về 0% sau 3 năm. Khi đó, sản phẩm này gần như được nhập khẩu vào Anh với mức thuế 0%.
Có thể thấy, tiềm năng thị trường Anh cho cá tra Việt rất rộng mở. Để tận dụng tối đa các lợi thế từ UKVFTA, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản sang Nga hồi mạnh trong tháng 8, dự cán mốc 190 triệu USD năm 2022
Thúc đẩy phát triển ngành cá tra
Vĩnh Hoàn, Nam Việt hưởng lợi gì từ chính sách thuế của ông Donald Trump?