Hòa Phát (HPG) đứng trước 'cơ hội vàng' nhờ đại dự án 85.000 tỷ và thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc
Với mức áp thuế từ 19,38% đến 27,83%, thép HRC Trung Quốc sẽ khó có thể cạnh tranh với Hòa Phát, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ từ Dung Quất 2.
Chứng khoán VCBS vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đánh giá, Hòa Phát sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ nhờ hai động lực chính đến từ dự án Dung Quất 2 sắp hoàn thành và biện pháp thuế quan mới được áp dụng.
Hòa Phát đứng trước 'cơ hội vàng' nhờ thuế CBPG và Dung Quất 2
Cụ thể, VCBS cho biết dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đã đi đến những bước cuối cùng để có thể vận hành chính thức. Khi đi vào hoạt động hoàn toàn và đạt công suất tối đa trong 2-3 năm tới, Hòa Phát có thể đạt doanh thu từ 175.000-200.000 tỷ đồng mỗi năm, với lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng.
Dung Quất 2 có quy mô 280ha, tổng vốn đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao mỗi năm. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động từ đầu quý I năm 2025, trong khi phân kỳ 2 hoàn thiện và vận hành vào quý IV cùng năm.
![]() |
Bộ Công Thương thông báo áp thuế CBPG tạm thời đối với HRC Trung Quốc, mức thuế dao động từ 19,38% đến 27,83% |
Bên cạnh đó, chính sách thuế chống bán phá giá đối với HRC Trung Quốc vừa được ban hành cũng tạo lợi thế mạnh mẽ cho Hòa Phát. Ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương thông báo áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với HRC Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19,38% đến 27,83%. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày và áp dụng tạm thời trong thời gian 120 ngày. VCBS nhận định rằng, với mức thuế này, thép HRC Trung Quốc sẽ khó có thể cạnh tranh với Hòa Phát, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ từ Dung Quất 2.
Với sự cộng hưởng từ 2 động lực to lớn này, Hòa Phát đang đứng trước "cơ hội vàng" để tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu và bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bất động sản hồi phục, thép nhập khẩu suy giảm
Một tín hiệu tích cực khác là trong tháng đầu năm 2025, lượng thép HRC Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam đã giảm đáng kể, chỉ đạt 537.000 tấn, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 800.000 - 1 triệu tấn/tháng trước đó. Điều này kích thích nhu cầu tiêu thụ HRC nội địa tăng mạnh trong bối cảnh thép nhập khẩu suy giảm.
Ngoài ra, thị trường bất động sản trong nước đang cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể sau giai đoạn đóng băng kéo dài. Hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã giúp ngành bất động sản lấy lại đà tăng trưởng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng cao. Với vị thế là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của thị trường.
Về tình hình kinh doanh năm 2024, doanh thu Hòa Phát đạt 140.560 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023 và hoàn thành kế hoạch đề ra. Đặc biệt, mức này đã tiệm cận với giai đoạn bùng nổ của Hòa Phát năm 2021-2022, thời điểm giá thép đạt mức cao kỷ lục. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch năm.
![]() |
Hòa Phát lãi cao nhất 2 năm |
Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Hòa Phát ghi nhận kể từ năm 2022. Ngoài ra, tập đoàn đã nộp ngân sách hơn 13.400 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với con số 9.000 tỷ của năm 2023.
Hoà Phát bất ngờ điều chỉnh tăng mạnh một số sản phẩm thép
Hòa Phát (HPG) chính thức trở thành thương hiệu dẫn đầu ngành vật liệu xây dựng Việt Nam