Hoàn thuế kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết ngày 26/9/2023, cơ quan thuế đã ban hành 12.721 quyết định hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền thuế hoàn là 98.606 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc cơ quan thuế tăng cường phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT còn giúp chuẩn hóa nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất trong công tác hoàn thuế giữa cơ quan thuế và NNT
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy nhanh công tác giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có công điện yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số công việc liên quan đến công tác phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế; sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
6.738 DN tham gia hoàn thuế điện tử Tổng cục Thuế cho biết, tính từ ngày 1/1/2023 đến 26/9/2023, tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử là 6.738 DN trên tổng số 6.790 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận hoàn điện tử là 13.259 hồ sơ trên tổng số 13.326 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn điện tử là 12.434 hồ sơ, với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 98.256 tỷ đồng. |
Song song với đó, Tổng cục Thuế đã thành lập đoàn công tác làm việc cùng Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về hoàn thuế GTGT tại các cục thuế gồm: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh để lắng nghe vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của các hiệp hội, DN trên địa bàn có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã quá thời hạn, nhưng chưa được giải quyết hoặc các hồ sơ có vướng mắc về mặt chính sách, đồng thời đề nghị các cục thuế báo cáo, làm rõ các nội dung vướng mắc, kiến nghị.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã giao Vụ Chính sách chủ trì, phối hợp với các vụ, đơn vị và các cục thuế địa phương rà soát, tổng hợp toàn bộ các vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật liên quan tới công tác hoàn thuế GTGT tại Luật, Nghị định, Thông tư và đề xuất phương án để báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thông thoáng, dễ thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người nộp thuế (NNT); đồng thời phân định rõ trách nhiệm của NNT và trách nhiệm của cán bộ, công chức thuế trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổng cục Thuế cho biết, ngày 8/9/2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về công tác hoàn thuế GTGT trên cơ sở kết quả làm việc với các cục thuế tỉnh, thành phố nêu trên.
Trên cơ sở buổi làm việc, Tổng cục Thuế đã đề nghị các địa phương tiếp tục cung cấp các hồ sơ còn thiếu chưa cung cấp theo đề nghị của Đoàn công tác, đồng thời hoàn thiện số liệu, nội dung và hoàn thiện báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính báo cáo kết quả hoàn thuế từ 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023 gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết ngày 26/9/2023, cơ quan thuế đã ban hành 12.721 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 98.606 tỷ đồng, bằng 53% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu do Kho bạc Nhà nước cung cấp, tính đến hết ngày 20/9/2023, tổng số tiền đã chi hoàn thuế GTGT qua Kho bạc Nhà nước từ dự toán năm 2023 là 97.685 tỷ đồng. Việc hoàn thuế kịp thời đã tạo điều kiện cho DN có nguồn vốn bổ sung, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Hồng Vân
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong hoàn thuế
Để công tác hoàn thuế chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, tháng 5/2023 vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 679/QĐ-TCT quyết định về quy trình hoàn thuế. Theo đó, quy trình hoàn thuế mới là một trong các giải pháp để các cục thuế khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác hoàn thuế, bao gồm cả công tác hoàn thuế GTGT, thu nhập cá nhân và hoàn nộp thừa.
“Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định hoàn thuế cho DN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải quan tâm, nhất là trong giai đoạn DN còn nhiều khó khăn như hiện nay. Việc giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho DN giảm bớt khó khăn, thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.” Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Tại cuộc Họp báo Quý III/2023 của Bộ Tài chính) |
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, quy trình hoàn thuế theo Quyết định 679/QĐ-TCT có 45 điểm mới so với quy trình hoàn thuế theo Quyết định số 905/QĐ-TCT ngày 1/7/2011, trong đó, có 11 điểm mới bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế đã được sửa đổi bổ sung tương ứng với 34 điểm mới về hoàn thuế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính so với trước đây.
Cùng với đó, ngày 18/9/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TCT về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác hoàn thuế GTGT để phân tích, đánh giá, xếp hạng NNT là DN, tổ chức có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT. Quy trình này sẽ thực hiện áp dụng đối với hồ sơ hoàn thuế dự án đầu tư và hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Theo đó, kết quả đánh giá, xếp hạng rủi ro đối với NNT có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT là căn cứ để quyết định kiểm tra trước, hoàn thuế sau đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của NNT được xếp hạng rủi ro cao; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo mức độ xếp hạng rủi ro của NNT.
Ngoài ra, việc phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT còn giúp chuẩn hóa nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất trong công tác lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
Bên cạnh đó, việc phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT cũng góp phần đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Ông Nguyễn Đăng Lợi |
Ông Nguyễn Đăng Lợi - Tổng Giám đốc Công ty Dệt Kim Đông Xuân:
Doanh nghiệp cần đảm bảo tính hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế
Tháng 11/2022, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã nộp hồ sơ hoàn thuế đến Cục Thuế TP. Hà Nội đề nghị được hoàn trên 12 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Tuy nhiên, trong bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN, có một số hóa đơn mua vật tư của những DN cung cấp hàng hóa cho DN, nhưng không kê khai nộp thuế; DN đã ngừng nghỉ kinh doanh hoặc đã bỏ trốn, nên đã bị cơ quan thuế đưa vào diện rủi ro cao chờ xác minh.
Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và giải pháp loại bỏ những hóa đơn, chứng từ của những DN không còn hoạt động, chỉ hoàn thuế cho hóa đơn chứng từ hợp pháp, đến nay Công ty Dệt kim Đông Xuân đã được Cục Thuế TP. Hà Nội giải quyết hoàn thuế.
Để công tác hoàn thuế không có vướng mắc và độ trễ như thời gian vừa qua, các DN cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan thuế, cũng như chủ động rà soát, đảm bảo tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị hoàn thuế, tránh tình trạng hồ sơ nộp lên cơ quan thuế bị rà soát lại đưa vào diện rủi ro cao, các ngành chức năng phải vào cuộc xác minh mất nhiều thời gian, DN không có nguồn vốn quay vòng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến khó khăn.
Trong giai đoạn DN còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc được giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là sự hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho DN giảm bớt khó khăn, thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Thang Văn Thông |
Ông Thang Văn Thông - Chủ tịch Chi hội dăm gỗ Việt Nam:
Mong muốn có nhiều cuộc đối thoại về hoàn thuế
Xuất khẩu viên nén và dăm gỗ là một điểm sáng trong xuất khẩu lâm sản. Một tin vui khác cũng tới với DN ngành gỗ, chế biến dăm gỗ, viên nén đã được hoàn hơn 2.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Số tiền hoàn thuế này sẽ là dòng vốn quan trọng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thời gian tới.
Do đó, các DN có hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng luôn mong muốn được đối thoại thường xuyên với cơ quan thuế nhằm chia sẻ những vướng mắc để xử lý, gỡ vướng từ đó đảm bảo hoàn thuế kịp thời. Thông qua đối thoại, cơ quan thuế lắng nghe, nắm bắt những vướng mắc trong thực thi chính sách thuế và kịp thời tháo gỡ, giúp DN vượt qua thách thức, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, các cuộc đối thoại của ngành Thuế trong thời gian qua đã mang đến những hiệu quả tích cực và cần tiếp tục được duy trì. Chúng tôi hy vọng, từ nay tới cuối năm, công tác hoàn thuế tiếp tục được thực hiện nhanh, hiệu quả như trong thời gian vừa qua.
Thái Lan lên phương án 'giải cứu' Thai Airways: Chuyển đổi 100% khoản nợ hơn 2 tỷ USD thành cổ phiếu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng