Hoàng tử Việt Nam làm tướng ở nước ngoài, được dân gọi 'Bạch Mã tướng quân'
Mặc dù trở thành vị tướng lẫy lừng tại Hàn Quốc, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương.
Từ Đại đô đốc Hải quân đến người tỵ nạn xứ Cao Ly
Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Trần được xem là một trong những triều đại hùng mạnh nhất về quân sự. Dưới thời nhà Trần, Việt Nam đã ba lần đánh bại quân Nguyên Mông, với khí thế chiến đấu hào hùng, hình thành nên "hào khí Đông A" vang dội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài các danh tướng nhà Trần, còn có một vị tướng xuất sắc khác của Việt Nam tên Lý Long Tường, góp sức vào cuộc chiến đấu của người Cao Ly (nay là Hàn Quốc) chống lại người Mông Cổ và tạo nên một dòng họ Lý giàu truyền thống ở Hàn Quốc.
Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con trai thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông từng được phong chức Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh Đại đô đốc hải quân và tước Kiến Bình vương. Lý Long Tường cũng là em trai của vua Lý Cao Tông và là chú của vua Lý Huệ Tông.
Là một hoàng thân quyền lực với địa vị cao trong triều đình, Lý Long Tường không chỉ có vai trò quan trọng trong chính trị mà còn chỉ huy hạm đội hải quân nhà Lý đóng tại Đồ Sơn. Tuy nhiên, đến năm 1225, khi Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý và Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, nhà Trần chính thức được thành lập. Sự kiện này đã khiến hậu duệ của nhà Lý phải đối mặt với nguy cơ bị truy sát, buộc họ phải ẩn náu ở vùng núi phía Bắc.
Một năm sau khi Trần Cảnh lên ngôi, để bảo toàn tính mạng và giữ gìn hương hỏa tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật trở về Kinh Bắc. Tại đây, ông từ biệt lăng miếu Đình Bảng, thu gom bài vị cùng đồ tế khí ở Thái miếu rồi trở lại Đồ Sơn chuẩn bị cho hành trình ra khơi cùng sáu ngàn gia thuộc. Họ vượt qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa), tiến thẳng ra Biển Đông với ba hạm đội. Khi ấy, Lý Long Tường đã 52 tuổi, mang trong lòng nỗi niềm đau đáu về quê hương, cùng nỗi lo lắng về tương lai bất định đang chờ đợi ông và những người thân yêu.
Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền của Lý Long Tường gặp bão lớn và dạt vào đảo Đài Loan. Con trai ông Lý Long Hiền mắc bạo bệnh và không thể tiếp tục hành trình, buộc phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Phần còn lại của đoàn tiếp tục lên đường và cuối cùng dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, nằm trên bờ biển phía Tây của Cao Ly.
Khi nghe tin hoàng tử Đại Việt cùng đoàn tùy tùng đến tị nạn, vua Cao Tông của Cao Ly đã đích thân ra đón tiếp. Nhờ giao tiếp bằng chữ Hán, hai bên nhanh chóng hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Vua Cao Tông đã cấp cho đoàn của Lý Long Tường vùng đất Ung Tân để định cư và sinh sống. Từ đó, hoàng tử nhà Lý cùng gia nhân và binh sĩ bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ người.
Có truyền thuyết kể rằng, trước khi Lý Long Tường đến, vua Cao Tông đã mơ thấy một con phượng hoàng từ phương Nam bay đến, đậu trên bờ biển Cao Ly. Tin rằng đây là điềm lành báo hiệu sự xuất hiện của một quý nhân, nhà vua đã sớm chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đón tiếp trọng thị.
Được dân gọi là "Bạch Mã tướng quân"
Vào năm 1232, vua Mông Cổ Oa Khoát Đài phát động cuộc tấn công vào Cao Ly. Lý Long Tường đã chỉ huy quân đội đánh lùi quân Mông Cổ tại tỉnh Hoàng Hải. Đến năm 1253, khi Đại hãn Mông Kha xâm lược Cao Ly lần thứ hai, Lý Long Tường tiếp tục ra trận, áp dụng binh pháp Đại Việt để huấn luyện dân làng và binh sĩ, quyết tâm chống trả quân Mông Cổ.
Người dân trong vùng kính trọng và gọi ông là "Bạch Mã tướng quân" vì ông thường cưỡi ngựa trắng khi ra trận. Sau chiến thắng vang dội, vua Cao Tông đã đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn và phong Lý Long Tường làm "Hoa Sơn tướng quân". Để bày tỏ lòng biết ơn, năm 1711, người dân đã dựng bia tưởng nhớ công trạng của ông. Di tích này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Mặc dù trở thành vị tướng lẫy lừng tại Hàn Quốc, Lý Long Tường vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương. Ông đã xây dựng một ngôi đình mang kiến trúc Đại Việt để thờ các vua nhà Lý, tạo nơi để mọi người có thể nhớ về quê nhà. Cuối đời, tương truyền rằng Lý Long Tường thường lên đỉnh núi Quảng Đại, hướng về phương Nam như một cách gợi nhớ quê hương xa xôi.
Dù đã trải qua hàng trăm năm, hậu duệ họ Lý tại Hàn Quốc vẫn giữ lòng hướng về nguồn cội. Rất nhiều người trong dòng họ đã trở về Việt Nam để nhận tổ tiên. Theo thông tin từ báo Thanh Niên, vào ngày 6/11/1958, Tổng thống Hàn Quốc khi ấy là Lý Thừa Vãn đã tuyên bố tổ tiên ông là người Việt Nam. Thông tin này đã được báo chí Sài Gòn đăng tải và dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc cũng xác nhận rằng Tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của hoàng thân Lý Long Tường.
Hậu duệ thứ 30 của Lý Long Tường – Lý Khánh Huân cũng từng sang Sài Gòn để tìm cội nguồn nhưng vì đất nước khi ấy còn chiến tranh nên chưa về được đất tổ ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau này, con trai ông là Lý Xương Căn đã thay cha làm việc đó. Ngày 18/5/1994, Lý Xương Căn - người họ Lý đầu tiên làm được “sứ mệnh tổ tiên” - đã làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế - nơi thờ cúng 8 vị vua nhà Lý - ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Năm 1995, khi sang Việt Nam tham dự lễ Quốc khánh 2/9 tại quảng trường Ba Đình, ông Lý Xương Căn đã có dịp gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười và trao tặng ông một tấm liễn với dòng chữ: “Tuy sống nơi Hàn Quốc có nhiều người thành đạt. Ngoài gia đình ông Lý Xương Căn, một hậu duệ nổi bật khác là ông Lý Hy Luận, Chủ tịch cộng đồng họ Lý xuất thân từ Hoa Sơn và cựu Tổ vạn dặm, nhưng lòng vẫn luôn hướng về Việt Nam”.
Bài viết có tham khảo:
Gần 8 thế kỷ vọng cố hương: Lý Long Tường và dòng tộc Lý Hoa Sơn - Xuất bản ngày 02/11/2015 - Báo Thanh Niên
Người Việt muôn phương - (Bài 2): Hoàng tử Đại Việt trở thành ông tổ dòng họ Lý trên bán đảo Triều Tiên - Xuất bản 28/02/2021 - Báo Pháp luật Việt Nam
Hai Hoàng tử Việt Nam thành danh ở Hàn Quốc - Xuất bản 21/8/2007 - Báo VnExpress
Cuộc trở về trọn vẹn sau 800 năm - Xuất bản 29/06/2010 - Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh