Việc ký kết và đi vào thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam trong thời gian qua đang tạo đà thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Xuất khẩu sẽ tốt lên trong 2022
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) chia sẻ, năm 2021, dù xuất khẩu dệt may không như mục tiêu ban đầu, song trước những khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu toàn ngành vẫn duy trì mức 39 tỷ USD. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Trong năm 2022, nếu không có làn sóng dịch thứ 5, thứ 6, các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu toàn ngành sẽ tăng khả quan hơn ít nhất 10%. "Riêng với Thành Công, việc ký kết đơn hàng cho năm 2022 đã đến hết tháng 6/2022 và chúng tôi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2021" - Ông Tùng chia sẻ.
Điều mà các doanh nghiệp còn lo lắng, hiện dịch còn phức tạp, liên tục trong nhà máy có thể xuất hiện nhiều ca F0, ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc, trong khi đó quy định chống dịch ở mỗi địa phương lại không giống nhau. Các doanh nghiệp mong muốn, các địa phương có phương án chống dịch đồng nhất, để doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh cũng như không phát sinh thêm những khoản chi phí khác
Hỗ trợ của Bộ Công Thương là động lực cho xuất khẩu
Kết thúc năm 2021, dù gặp nhiều thách thức do COVID-19 song các doanh nghiệp vẫn duy trì mức xuất khẩu 400.000 tấn cà phê và 600.000 tấn gạo... Đây là kết quả từ sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành, cụ thể là Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất, kiến nghị kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch.
Những hỗ trợ thiết thực có thể kể tới như: Đề xuất giảm tiền điện, giá điện; đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hay việc kịp thời gỡ vướng về lưu thông hàng hóa…
Với sự hỗ trợ trên, cùng nhu cầu của thị trường thế giới khả quan cũng như hệ thống bạn hàng lâu năm, doanh nghiệp hy vọng năm 2022, việc xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt hơn. Thêm vào đó, việc ký kết và đi vào thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam trong thời gian qua đang tạo đà thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Tuy vậy, cái khó nhất hiện nay với doanh nghiệp là cước vận tải biển ở mức quá cao, các thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cần sự chung tay của rất nhiều bên trong việc tạo vùng trồng chất lượng và tạo chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phục hồi trở lại.
Đa dạng hình thức xúc tiến thương mại
Năm 2022, chắc chắn nhu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm nhà hàng, khách sạn... du lịch hồi phục. Để khai thác cơ hội thị trường, tăng trưởng tốt trong năm 2022, góp phần mục tiêu phát triển ngành đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu 16 - 18 tỷ USD, doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá bởi chi phí tham gia hội chợ này tăng đều hàng năm. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất Bộ Công Thương cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành thủy sản tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trực tiếp, nhất là tại các hội chợ có quy mô lớn ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động trực tuyến B2B cho ngành thủy sản thông qua các kênh của Bộ Công Thương tại các thị trường đang tăng trưởng tốt cũng như các thị trường tiềm năng.
Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam
Giám đốc Tài chính Hòa Phát (HPG) tiết lộ 30% đầu ra của dự án Dung Quất 2