Học bằng lái ô tô hạng B2 vào cuối năm 2022, chị Nga (ngụ tại Hà Nội) chỉ mất 6 triệu tiền lệ phí. Tháng 11/2023, người phụ nữ này ngỡ ngàng khi phải chi gần 20 triệu cho cô con gái học lấy bằng như mẹ.
Chị Nga kể, con gái chị đăng ký học từ tháng 11 nhưng phải đến tháng 12 mới có lớp khai giảng. “Tiền học bây giờ cao gấp 3 lần so với hồi tôi học. Tổng chi phí ngót nghét 20 triệu mà không biết thi lần một có đỗ ngay không?”. chị Nga băn khoăn.
Vẫn theo người phụ nữ này, hồi chị học 1 thầy thường kèm 3- 4 học viên. Còn thời điểm con gái chị học, 1 thầy kèm 1 trò và 1 xe là nguyên nhân đẩy chi phí đào tạo tăng cao. Hơn nữa, thời điểm trước 1/1/2023, học viên chưa phải học trên cabin điện tử - các cơ sở đào tạo không phải chi một khoản lớn cho việc lắp đặt thiết bị này.
Tại Trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội), một thầy dạy lái xe báo giá chi phí trọn gói cho một khoá học lấy bằng B1 là 16 triệu đồng.
>> Tài xế trên 65 tuổi được tặng thưởng nếu chịu từ bỏ bằng lái
Số tiền này học viên sẽ đóng thành 2 đợt (khi vào hồ sơ đóng 50%, số còn lại được hoàn thành nốt trước khi thi) bao gồm các khoản: tiền hồ sơ, xăng xe, sân bãi, lái xe đường trường, bồi dưỡng thầy.
Ngoài ra, số chi phí trên chưa bao gồm tiền học xe gắn chip, học trên cabin và lệ phí theo quy định. Ba khoản này ước tính từ 2 - 2,5 triệu đồng.
Trung tâm cam kết học viên không mất thêm phụ phí trong suốt quá trình học. Như vậy, nếu học viên đỗ ngay trong lần học đầu tiên thì tổng chi phí cho một khoá học lấy bằng B1 xấp xỉ 20 triệu đồng.
Tương tự, một nhân viên Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội cho biết, tổng lệ phí cho một khoá đào tạo, thi lấy bằng B1 là 15 triệu đồng với thời gian học kéo dài trong 4 tháng. Trong đó, học viên đóng lần 1 là 8 triệu đồng và lần 2 là 7 triệu đồng.
Số lệ phí này đã bao gồm: Hồ sơ khai giảng khoá học tại Sở GTVT, giấy khám sức khoẻ dành cho người lái xe, chi phí sân tập, xăng xe, lương giáo viên hướng dẫn, dạy thực hành lái xe từ cơ bản đến nâng cao, học sa hình và đường trường (710 km đối với hạng B1, 810 km đối với hạng B2), 3 giờ học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng...
Điểm khác biệt của trung tâm này là sau khi kết thúc giáo trình đào tạo, học viên yếu kém sẽ được hỗ trợ đào tạo thêm mà không mất thêm phí. Đồng thời cam kết trong quá trình đào tạo sẽ thực hiện 1 thầy, 1 trò, 1 xe mà không phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào.
Anh Quân, thầy dạy của Trung tâm đào sát hạch lái xe Thành An cho biết, mức phí đào tạo bằng B1, B2 của đơn vị này đang được ưu đãi 16 triệu đồng.
Nhằm thuyết phục người học, anh Quân cho hay, sắp tới quy định phải học thêm 41 giờ trong sa hình thì chi phí học lái xe còn tiếp tục tăng.
Người này đưa ra một bức ảnh chụp bảng giá thông báo chiêu sinh của một cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ở miền Nam, trong đó có đưa danh mục đào tạo lái xe trong sa hình vào lộ trình đào tạo. Từ đó mức phí tăng lên tới 29,8 triệu đồng đối với bằng B1, B2 và 33, 8 triệu đồng đối với bằng C.
Lý giải việc tăng phí đào tạo lái xe, đại diện một trung tâm đào tạo lái xe cho biết do phải tăng chi phí đầu tư (cabin điện tử, thiết bị DAT… ) nên từ đầu năm 2023 hầu hết các cơ sở đều tăng lệ phí.
“Mức tăng mỗi cơ sở khác nhau. Các cơ sở trình lên Sở GTVT phê duyệt, áp dụng”, vị này thông tin.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Thông tư liên tịch số 72/2022/TT - Bộ Tài chính và Bộ GTVT giao cho cơ sở đào tạo tự xây dựng mức phí về đào tạo, sát hạch lái xe, báo cáo cơ quản lý. Sau khi được chấp thuận, cơ sở đào tạo sẽ công khai mức phí".
Vị này khẳng định, các quy định về đào tạo lái xe vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, nên không có chuyện sắp tăng giá. Hiện nay, việc đào tạo lái xe theo cơ chế thị trường có sự cạnh tranh. Do đó, cơ sở nào mức học phí tăng quá cao, đào tạo không chất lượng thì chắc chắn sẽ khó thu hút được học viên.
>> Chặn lối vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do tai nạn liên hoàn
Những đề xuất mới trong đào tạo, sát hạch lái xe
Đề xuất giáo viên dạy thực hành lái xe chỉ cần tốt nghiệp cấp 3