Ngày 27/4/2023, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ khánh thành, là nhà máy có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Dự kiến, hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp hơn 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia.
Trước đó, cái tên Nhiệt điện Thái Bình 2 gợi liên tưởng về sự trì trệ, bế tắc, khó trăm nỗi, mà khó nhất là những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Lại thêm khó khăn do đại dịch COVID-19. Việc huy động chuyên gia nước ngoài của nhà thầu chế tạo thiết bị công nghệ độc quyền, nhà thầu chạy thử; việc cung cấp nhân lực, vật tư... bị đình trệ, ách tắc. Rồi giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, phát sinh các chi phí. Một số hạng mục đã xây dựng, lắp đặt được hơn 90%, nhưng không thể hoàn thiện, do thiếu kinh phí, thiết bị. Những ngày đó, Ban quản lý dự án như ngồi trên đống lửa.
Năm 2011, dự án được khởi công và dự kiến khánh thành toàn bộ các tổ máy vào năm 2018. Thế nhưng, tiến độ bị đình hoãn nhiều lần vì sai phạm. Các đoàn cán bộ, phóng viên báo chí khi đi khảo sát thực địa về, được hỏi về tiến độ, về triển vọng, lối ra, đều trả lời bằng cái lắc đầu ngán ngẩm.
Dấu mốc thắp lên hy vọng
Đó là dấu mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu các Tổ máy số 1 và Tổ máy số 2. Ngày 23/2/2022, hoàn thành đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy 1 và sáu tháng sau, ngày 27/8/2022, Tổ máy 2 tiếp tục thực hiện thành công.
Đây không chỉ là dấu mốc tiến độ quan trọng, mà còn là nhiệm vụ chính trị, là "trận đánh mở màn" trong một chiến dịch lớn. Muốn thực hiện thành công việc đốt lửa một tổ máy 600 MW, phải thực hiện và kiểm soát tốt toàn bộ các hệ thống từ thiết bị chính đến thiết bị phụ trợ.
Để đến được mốc quan trọng này, trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt cuộc thị sát, trực tiếp kiểm tra, làm việc, giao ban tại công trường dự án, trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án.
Dám làm, dám chịu trách nhiệm
Một trong những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng nhà máy chính là nguồn vốn rất khó khăn. Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo, việc xử lý các dự án thực hiện theo đúng nguyên tắc: tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
Thành công của Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được ghi nhận từ ý thức kỷ luật, nếp sống văn hóa kết tụ bao năm của người dầu khí; từ những kinh nghiệm quý báu của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề.
Có thời kỳ cao điểm, hằng tuần Petrovietnam đều trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình, kết quả triển khai, thi công Dự án, những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh, không để ảnh hưởng đến tiến độ, bởi tiến độ là mệnh lệnh, là thước đo năng lực, là lời hứa trước Đảng, trước nhân dân.
Khi xảy ra sự cố trong quá trình chạy thử nghiệm Tổ máy số 1, các kỹ sư, thợ vận hành tại Dự án đều bình tĩnh khắc phục. Việc "chẩn đúng bệnh và điều trị đúng" là do các anh đã tích lũy kinh nghiệm qua nhiều nhà máy điện lớn, từ Cà Mau 1-2, đến Nhơn Trạch 1-2, rồi Vũng Áng 1…
Cuối năm 2022, những con số vui dồn dập báo về: Tiến độ tổng thể của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt hơn 92%; công tác mua sắm hoàn thành hơn 97%; thi công xây lắp đã xong gần 94%... những con số ấy đưa đến một kết quả cuối cùng - đưa Nhà máy vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia.
Ngày 27/4, Nhà máy sẽ chính thức khánh thành sau bao trăn trở, lo lắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ người lao động PVN.
Bà chủ Xuyên Việt Oil khai về cuộc gọi với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít