Hơn 650.000 người đổ bộ 'thành phố dưới lòng đất' duy nhất Việt Nam
(Thị trường tài chính) - Đây cũng là một trong bảy điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á, nơi thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Sáng 22/6, Đảng ủy Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức hội nghị phiên 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, nửa đầu năm nay, khu di tích đã tổ chức đón tiếp khoảng 650.000 lượt khách (tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, chương trình tour tham quan ban đêm chủ đề “Trăng chiến khu” tại Khu tái hiện Vùng Giải phóng nhận được các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, đặc biệt là sự đánh giá cao, phản hồi tích cực của du khách và các công ty lữ hành du lịch sau khi tham quan, trải nghiệm chương trình.
Khu di tích Địa đạo Củ Chi cách trung tâm TP. HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Theo Báo điện tử VOV, nơi đây là một "kỳ quan" độc đáo có một không hai, được mệnh danh là “thành phố trong lòng đất” duy nhất của Việt Nam. Địa đạo Củ Chi là một trong sáu công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới, cũng là một trong bảy điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Với hệ thống đường hầm dài 250km, bên trong địa đạo có đầy đủ các công trình như chiến hào, kho cất giấu lương thực, bếp ăn, giếng nước, phòng ở, phòng làm việc, bệnh xá… là căn cứ địa vững chắc cho quân và dân ta.
Địa đạo Củ Chi được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1948). Giai đoạn này, quân dân của 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn với mục đích ẩn nấp và cất giấu vũ khí. Thời gian đầu, mỗi làng xây dựng một địa đạo riêng, nhưng sau do nhu cầu đi lại giữa các làng, xã, họ đã nối liền các địa đạo này tạo thành một hệ thống liên hoàn, phức tạp hơn.
Với tầm vóc chiến công của mình, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm: Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức.
Công trình đã được Thủ tướng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Đến năm 2020, UBND TP. HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.
Dự kiến đến năm 2027, TP. HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.