Thế giới

Hòn đảo nhỏ bé nhưng sở hữu tới 2 'thủ lĩnh' của chuỗi cung ứng toàn cầu, mọi công ty đều phải dõi theo

Đăng Đức 12/06/2024 12:36

Hai “gã khổng lồ công nghệ” đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đang dẫn đầu cuộc đua dẫn dắt chuỗi cung ứng toàn cầu để làm “kim chỉ nam” cho hàng trăm nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần khắp thế giới noi theo.

Tiên phong trong việc dẫn dắt chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay ở lĩnh vực công nghệ chip và chất bán dẫn chính là hai công ty đến từ đảo Đài Loan (Trung Quốc). Đó là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Tập đoàn Công nghệ Foxconn.

TMSC đang là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với các khách hàng bao gồm một loạt “ông lớn” như Apple, Nvidia Corp và Advanced Micro Devices. Công ty này có trụ sở tại Công viên Khoa học Tân Trúc (Đài Loan), được thành lập ngày 21/2/1987, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 37 năm.

Vua sản xuất chip số 1 thế giới, đối tác Apple xứng danh thủ lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu
Một nhà máy sản xuất của TSMC tại đảo Đài Loan (Trung Quốc). Công ty hiện chiếm khoảng 54% nhu cầu bán dẫn toàn cầu. Ảnh: TSMC

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghệ Foxconn, chủ lực là Tập đoàn Công nghiệp chính xác Hon Hai có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), chuyên lắp ráp các bộ phận linh kiện điện tử thành các thiết bị cuối. Công ty này thành lập ngày 20/2/1974, đến nay đã có lịch sử 50 năm tồn tại và phát triển.

Điện thoại thông minh iPhone của Apple và máy chủ trí tuệ nhân tạo của Nvidia là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Foxconn, nhưng phạm vi hoạt động của công ty này còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp bao gồm ô tô của hãng xe điện Tesla, nhà cung cấp hệ thống tự động hóa nhà máy Siemens AG và thậm chí cả trung tâm sản xuất vệ tinh của Israel.

>> Nơi sản xuất iPhone tại đất nước tỷ dân bỗng thành 'thị trấn ma': Từ nhà máy 50.000 công nhân nay không còn một bóng người, thiết bị được chuyển sang cơ sở tại Việt Nam

Không thể thay thế

Quy mô, sự thống trị về mặt kỹ thuật và tầm ảnh hưởng toàn cầu của TSMC và Foxconn khiến hai công ty này trở thành không thể thay thế. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách từ Washington (Mỹ) đến Canberra (Australia) lo ngại những hệ lụy khổng lồ trong trường hợp căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc leo thang đến mức xung đột quân sự.

Tuy nhiên, cả hai công ty này đều đang ít nghĩ đến khả năng xung đột vũ trang nổ ra, mà họ tập trung nhiều hơn vào việc toàn cầu hóa có thể mở rộng vị thế dẫn đầu của mình như thế nào.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TSMC CC Wei cho biết sau cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng này: “Sự bất ổn ở eo biển Đài Loan chắc chắn là một vấn đề cần cân nhắc về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng”. Tuy nhiên, nhà sản xuất chip này cũng nhận thấy lợi ích từ toàn cầu hóa “bởi vì chúng tôi có thể tận dụng những gì tốt nhất từ ​​khắp nơi trên thế giới”.

Foxconn cũng đang nhận thức rõ mặt tích cực của việc mở rộng phạm vi tiếp cận của mình. “Dấu chân toàn cầu đa dạng của chúng tôi là một phần quan trọng trong lợi thế cạnh tranh của Hon Hai,” CEO Young Liu nói với các cổ đông gần đây và lưu ý rằng họ có 205 địa điểm ở 24 quốc gia. “Trong tình hình địa chính trị hiện nay, lợi thế đó càng quan trọng và rõ ràng hơn”.

Vua sản xuất chip số 1 thế giới, đối tác Apple xứng danh thủ lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu
Foxconn đang là đối tác gia công lớn nhất của Apple để sản xuất những chiếc iPhone

Hai thập kỷ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vị thế công xưởng của Trung Quốc đối với thế giới đã chuyển từ chỗ đôi bên cùng có lợi cho khách hàng và nhà cung cấp sang mối nguy hiểm khiến nhiều người lo ngại.

Tình trạng thiếu lao động, chi phí gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt ở địa phương khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm nơi khác để làm ăn. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc đang rút lui, nhà sản xuất dụng cụ điện Stanley Black & Decker của Mỹ đã đóng cửa nhà máy và hãng đồ thể thao số 1 thế giới Nike cũng đã chuyển đi.

Dù TSMC và Foxconn không cung cấp trực tiếp sản phẩm cho tất cả công ty này nhưng có thể nói, hầu hết mọi thiết bị trên hành tinh đều được sản xuất bằng sản phẩm hoặc hàng hóa xuất xưởng từ các nhà máy của họ.

Ví dụ, TSMC không chỉ kiểm soát hầu hết hoạt động sản xuất chip tiên tiến mà còn là nhà cung cấp lớn nhất các chất bán dẫn 28nm cũ hơn dùng trong đồ chơi cũng như thiết bị công nghiệp và nông nghiệp.

Foxconn, mặc dù nổi tiếng với việc sản xuất các thiết bị tiêu dùng, nhưng lại là công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tự động hóa nhà máy.

Điều đó có nghĩa là địa điểm mới mà TSMC và Foxconn muốn chuyển nhà máy tới đó sẽ đóng vai trò như một “kim chỉ nam” cho biết phần còn lại của chuỗi cung ứng đang đi đến đâu hoặc phải di chuyển bước tiếp theo ra sao.

>> Khu vực hút đầu tư lớn thứ hai cả nước: Nơi hội tụ các 'ông lớn' Samsung, Canon, Foxconn…

Sách lược “bành trướng” khôn ngoan

Mặc dù TSMC không sản xuất ô tô nhưng công ty này đã chọn các địa điểm hoạt động ở trung tâm của chuỗi cung ứng ô tô. Volkswagen, BMW và Porsche đều có cơ sở gần Dresden, địa điểm đặt nhà máy châu Âu sắp ra mắt của TSMC. Các nhà đầu tư khác cũng vào nhà máy đó bao gồm Robert Bosch, Infineon Technologies và NXP Semiconductors.

Do đó, bất kỳ ai muốn cung cấp nguyên liệu hoặc thiết bị cho TSMC sẽ phải có cơ sở hoạt động gần thành phố của Đức.

Đối với nhà máy ở quận Kumamoto của Nhật Bản, TSMC cũng đang hợp tác với Tập đoàn Sony, Toyota Motor và nhà cung cấp ô tô - điện tử Denso. Cơ sở này sẽ phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ô tô, công nghiệp và điện tử tiêu dùng hàng đầu thế giới của Nhật Bản.

Kế hoạch mở rộng, được công bố vào năm 2021, đã thúc đẩy các nhà cung cấp Mitsubishi Electric, Sumco và Kyocera phác thảo các khoản đầu tư mới vào khu vực.

Cơ sở của TSMC ở bang Arizona (Mỹ) lại là một câu chuyện khác. Khu vực này thiếu bất kỳ ngành công nghiệp liên quan nào để các hãng muốn tới đặt nhà máy, nhưng áp lực từ khách hàng và các ưu đãi từ Chính phủ Hoa Kỳ ở cấp tiểu bang và liên bang đã khiến công ty Đài Loan không có nhiều lựa chọn. Ngay cả khi đó, các nhà cung cấp cũng nhanh chóng noi theo gương của TSMC, bao gồm các công ty công nghiệp LCY Chemical và Topco Scientific.

Trong khi ấy, quyết định mở rộng địa bàn của Foxconn ở Mexico, Ấn Độ và Đông Nam Á cũng như nhiều mối quan hệ hợp tác với các công ty công nghiệp châu Âu như Siemens, ZF Group và Stellantis cho thấy sự đa dạng hóa của doanh nghiệp này không chỉ về mặt địa lý mà còn dựa trên lĩnh vực. Công ty đang đẩy mạnh vào lĩnh vực tự động hóa nhà máy, vận tải và hậu cần, hàng không vũ trụ và năng lượng thay thế.

Vua sản xuất chip số 1 thế giới, đối tác Apple xứng danh thủ lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu
Foxconn vẫn đang cho thấy tầm ảnh hưởng cực lớn và vai trò "đầu tàu" trong chuỗi cung ứng toàn cầu lĩnh vực công nghệ thông tin

Nhiều nhà cung cấp hiện tại của họ đã xây dựng cơ sở ở Thâm Quyến để tận hưởng những lợi ích từ việc gần trung tâm sản xuất của Trung Quốc. Hiệu ứng Foxconn này đã được lặp lại hơn một thập kỷ trước khi công ty này được thành lập gần thành phố Trịnh Châu, miền Trung Trung Quốc và các nhà cung cấp cũng làm theo họ.

Giờ đây, do vai trò quan trọng của mình ở trung tâm của ngành công nghệ thông tin, không chỉ các nhà cung cấp cho TSMC và Foxconn sẽ cần phải theo đuổi hành trình toàn cầu của họ, mà bất kỳ ai khác mong muốn trở thành một phần của chuỗi cung ứng quốc tế sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo 2 “thủ lĩnh” đáng tin cậy.

>> Một huyện sắp lên thị xã vào tháng tới: Nơi tọa lạc của các 'ông lớn' Foxconn, Luxshare...

Cổ phiếu Apple đạt mức cao nhất mọi thời đại, đưa S&P 500 và Nasdaq vượt đỉnh

‘Chê’ Apple, Elon Musk tuyên bố ‘cấm’ nhân viên dùng iPhone, iPad,...khách đến thăm công ty cũng chặn lại kiểm tra

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hon-dao-nho-be-nhung-so-huu-toi-2-thu-linh-cua-chuoi-cung-ung-toan-cau-moi-cong-ty-deu-phai-doi-theo-238293.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hòn đảo nhỏ bé nhưng sở hữu tới 2 'thủ lĩnh' của chuỗi cung ứng toàn cầu, mọi công ty đều phải dõi theo
POWERED BY ONECMS & INTECH