Bất động sản

Hợp long cây cầu thứ 8 bắc qua con sông danh tiếng nhất kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam

Khuê Vân 19/08/2024 12:31

Đây là cây cầu thứ 8 góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP.

Sau 20 tháng khởi công, cầu vượt Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, TP. Huế đã thành hình. Ngày 14/8, nhà thầu hợp long dựng vòm thép dài 380m. Hơn 200 công nhân và kỹ sư đang tham gia xây dựng cầu. Công trình hiện đạt tiến độ 82%.

Hệ thống trụ cầu chính đã gần hoàn thành. Các lối đi trên cầu dành cho công nhân được bọc thêm lưới để đảm bảo an toàn lao động.

cau-nguyen-hoang-10-1403.jpg

Các công nhân hối hả làm việc trong ngày hợp long. Ảnh: Báo Giao Thông

Ở bờ Nam sông Hương cầu Nguyễn Hoàng thuộc phường Phường Đúc, TP. Huế, nhiều hộ dân vẫn chưa di dời để bàn giao mặt bằng. Khu vực bờ Bắc sông Hương cầu Nguyễn Hoàng thuộc phường Kim Long và Hương Long cũng có nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

>> Tái khởi động 2 dự án quan trọng 'giải vây' ô nhiễm cho sân bay Tân Sơn Nhất sau hơn 10 năm 'đứng hình'

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thừa Thiên – Huế cho biết, những khó khăn trong quá trình triển khai, mặt bằng thi công chưa giải phóng hoàn toàn, mới đủ mặt bằng triển khai phần cầu, phía mố A2 hiện nay vẫn chưa giải phóng được hoàn toàn. Kiến nghị UBND thành phố tiếp tục tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, tồn tại để có mặt bằng hoàn chỉnh triển khai dự án.

Theo kế hoạch thực hiện dự án, phấn đấu đến ngày 15/10/2024 hoàn thành mối nối mặt cầu (hợp long), cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành phần cầu.

89aca098-a6e6-45f8-8a9f-719761da (1)

Cầu vòm thép bắc qua sông Hương. Đồ họa: Đăng Hiếu

Khởi công vào tháng 12/2022, cầu vượt Nguyễn Hoàng thuộc Dự án cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng có tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn một hơn 1.855 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, thời gian thực hiện 4 năm.

Nhà thầu thi công bao gồm: Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trung Chính - Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại xuất nhập khẩu Việt Anh - Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế.

cau-nguyen-hoang-3-01-1402.jpg

Vòm thép dài 380m vừa được hợp long. Ảnh: Báo Lao Động

Cầu có chiều dài khoảng 380m, cầu vòm thép gồm 5 nhịp dầm, chiều rộng 43m, 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3m, đường dẫn hai đầu dài 210m. Điểm đầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng và điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân.

Kết cấu cầu bằng bê tông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30m, cao 6m. Trên mặt bằng, các lề bộ hành được rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông bằng 4 cầu nhánh cong. Hai nút giao đầu cầu được thiết kế đường vòng xuyến.

cau-nguyen-hoang-1-1405.jpg

Vòm cầu mang biểu tượng Hạc chầu Thiên Mụ. Ảnh: Báo Lao Động

Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng Hạc chầu Thiên Mụ, mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất cố đô linh thiêng; hài hòa với danh lam thắng cảnh, di sản và văn hóa Huế.

Thừa Thiên Huế đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hương gồm Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, Bạch Hổ, Tuần, Chợ Dinh và Thảo Long. Cầu Nguyễn Hoàng là cây cầu thứ 8 góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP. Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây TP; phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh.

Nằm ở vị trí trung tâm của đất nước và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Huế đã được Trung ương xác định là đô thị loại I, là thành phố di sản văn hóa thế giới, một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, là thành phố Festival của Việt Nam.

Thành phố Huế là kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, vốn có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với những giá trị và bản sắc độc đáo. Các giá trị di sản văn hóa nơi đây thể hiện những nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa, vừa mang tính đặc thù - bản địa, vừa mang tính dân tộc - phổ biến, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa Á Âu.

>> Đầu tư trăm tỷ xây đường 18km xuyên núi, người dân vẫn phải bỏ ngang để đi thuyền qua sông

Hải Dương sắp có cầu vượt sông hơn 1.200 tỷ giúp mở rộng không gian đô thị và kết nối

Cầu vượt sông Hồng gần nghìn tỷ nối 2 'vựa lúa' miền Bắc sắp hợp long

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/hop-long-cay-cau-thu-8-bac-qua-con-song-danh-tieng-nhat-kinh-do-phong-kien-cuoi-cung-cua-viet-nam-d130772.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hợp long cây cầu thứ 8 bắc qua con sông danh tiếng nhất kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH