HPG giảm sàn, còn bao nhiêu cổ phiếu thép trên mệnh giá?

23-11-2022 18:25|Ngô Long

Sau những phiên phục hồi mạnh mẽ, loạt cổ phiếu thép đã quay đầu điều chỉnh. Theo đó, những nhà đầu tư mua vào trong nhịp hồi mới đây lại được phen lo lắng.

HPG giảm sàn, khối ngoại ngắt chuỗi 8 phiên mua mạnh

Kết phiên giao dịch ngày 23/11/2022, cổ phiếu HPG bất ngờ giảm sàn về 13.800 đồng qua đó có phiên giảm thứ 3 liên tiếp - tương ứng mức giảm gần 9% từ mức 15.100 đồng. Đây cũng là mã tác động tiêu cực nhất khi lấy đi của VN-Index 1,36 điểm qua đó gián tiếp khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh.

Quan sát kể từ đầu tháng 11 tới nay, cổ phiếu HPG chủ yếu biến động trong ngưỡng 12.x - 15.x đồng thị giá trong đó điểm nhấn là chuỗi hồi mạnh từ đáy 12.100 đồng (ngày 10/11) lên mức 15.100 đồng (phiên 18/11) - tương ứng mức tăng gần 25%. 

Trong bối cảnh cổ phiếu này đã liên tục lao dốc kể từ mức 23.900 đồng hồi giữa tháng 9 và về mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020 (mức 12.100 đồng), kể từ đầu tháng 11 trở lại đây, nhà đầu tư có xu hướng tăng mua tại cổ phiếu đầu ngành thép.

Minh chứng dễ thấy là sự gia tăng của sổ lượng lệnh cũng như khối lượng cổ phiếu đặt mua qua từng phiên, chênh lệch khối lượng đặt mua/bán đều ghi nhận ở mức từ vài triệu đến hàng chục triệu đơn vị (theo chiều mua). Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu HPG thời gian gần đây cũng tăng mạnh với trung bình hơn 50 triệu đơn vị/phiên.

Ghi nhận trong phiên 17/11, cổ phiếu HPG tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên mức 14.250 đồng thị giá. Tổng cộng có gần 16.500 lệnh đặt mua với khối lượng đặt mua hơn 96,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, chỉ có gần 6.000 lệnh đặt bán với khối lượng đặt bán chỉ 24,7 triệu đơn vị. Chênh lệch khối lượng đặt mua - bán phiên này cũng ở mức gần 72 triệu cổ phiếu (theo chiều mua).

Tuy nhiên, trong phiên giảm sàn ngày 23/11, trong số hơn 30 triệu cổ phiếu HPG được giao dịch, phe bán chủ đạo chiếm áp đảo trở lại với gần 64,5% tổng khối lượng khớp lệnh là bán chủ động; lực bán của nhà đầu tư chiếm áp đảo ở gần như toàn bộ các bước giá.

Biểu đồ khớp lệnh cổ phiếu HPG theo bước giá phiên 23/11

Khối ngoại theo đó cũng bán ròng trở lại hơn 1,7 triệu cổ phiếu HPG trong phiên này - tương ứng giá trị bán ròng gần 24 tỷ.

Trước đó, dòng tiền nước ngoại đã ghi nhận chuỗi 8 phiên mua vào liên tiếp cổ phiếu Hòa Phát với tổng khối lượng khoảng 70 triệu đơn vị - tương ứng giá trị 930 tỷ đồng.

Hầu hết cổ phiếu thép đã về dưới mệnh giá

Sau những phiên phục hồi đầy mạnh mẽ, thị giá cổ phiếu nhóm thép lại quay đầu điều chỉnh. Phiên hôm nay, không chỉ riêng HPG, nhóm thép và khối đầu tư công phiên hôm nay cũng đều diễn biến xấu trong đó HSG giảm 6,3%, NKG giảm 5,4%, POM giảm 5,2%, TLH giảm 4,3%, VGS giảm 6%.

Trước đó trong phiên ngày 22/11, HPG, HSG, NKG hay TLH đều giảm với biên độ trên 1%.

Diễn biến giá một số cổ phiếu thép từ tháng 4/2022

Quan sát, hiện hàng loạt cổ phiếu thép đã rơi khỏi mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) như HSG, NKG, SMC, POM, TLH, TIS, VGS, TVN,... ngoại trừ HPG... Và so với vùng giá đỉnh hồi nửa cuối năm 2021, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm từ 70 - 80% và về vùng đáy 2 năm.

Cùng với tác động từ thị trường chung, nguyên nhân khác khiến cổ phiếu thép lao dốc đến từ tình hình kinh doanh ảm đạm của nhóm này sau ngày lập đỉnh lợi nhuận.

Triển vọng kém lạc quan trong quý 4/2022

Quý 3/2022, lần lượt Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, TVN, … đều ghi nhận các khoản lỗ cao kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu yếu, giá bán giảm, nguyên liệu đắt đỏ, chi phí tài chính lên cao.

Trong báo cáo mới cập nhật của Công ty Chứng khoán KIS, sản lượng thép sản xuất trong tháng 10/2022 đạt mức 1,92 triệu tấn - giảm 15% so với tháng trước đó và giảm gần 28% so với cùng kỳ. Ngược lại, sản lượng tiêu thụ giảm nhẹ 3,5% so với tháng trước về mức 1,76 triệu tấn song đã giảm tới 29% so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo KIS, lượng tồn kho thép tính đến cuối tháng 10 là 1,45 triệu tấn - tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái song đã giảm hơn 2% so với tháng 9 trước đó. 

ton-kho-cua-nhom-thep-tinh-den-het-quy-3_2022-dvt_-ty-dong-1-.png

Về diễn biến giá nguyên liệu đầu vào trong vòng 30 ngày qua, tại thời điểm 16/11, giá quặng sắt ở mức 89 USD/tấn (-8 USD/tấn), thép cuộn cán nóng (HRC) giảm xuống 545 USD/tấn (-21 USD/tấn), than luyện cốc tăng lên mức giá 312 USD/tấn (+29 USD/tấn).

Căn cứ vào giá niêm yết của thép thanh Hòa Phát trong tháng 10, giá thép thành phẩm nội địa hiện ở mức hơn 15 triệu đồng/tấn - không cải thiện nhiều theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Tồn kho cao, giá bán trung bình trong khi áp lực lái suất và tỷ giá đang khiến áp lực chi phí (lãi vay, trích lập dự phòng, lỗ tỷ giá,...) trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp thép.

Theo Chứng khoán KIS, triển vọng tăng trưởng của ngành thép là không thật sự tốt và doanh số kinh doanh của thị trường trong những tháng tới có thể tiếp tục bị tắc nghẽn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu.

Đặc biệt, lượng tồn kho cao đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp dừng lò cao. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp khiến một số nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng và phải tạm dừng hoạt động.

Phiên 22/11: Công ty BĐS trong Top 9 vay nợ nhiều nhất được khối ngoại rót ròng 242 tỷ đồng

Thêm doanh nghiệp dầu khí 'họ P' sắp niêm yết sàn HoSE

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hpg-giam-san-con-bao-nhieu-co-phieu-thep-tren-menh-gia-159528.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    HPG giảm sàn, còn bao nhiêu cổ phiếu thép trên mệnh giá?
    POWERED BY ONECMS & INTECH