Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022.
Xuất khẩu điện tử và Du lịch - 2 động lực phát triển kinh tế
Sau vài tháng khó khăn do phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, tình hình đất nước đang ngày càng ổn định hơn. Chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11 cho thấy, điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4.
Đơn hàng xuất khẩu mới cũng bắt đầu ổn định, các nhà sản xuất đang giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Áp lực về giá cũng giảm nhẹ trong mấy tháng qua nhờ giá nguyên liệu thô bắt đầu hạ nhiệt.
Ngành du lịch là một động lực quan trọng đóng góp nhiều cho nền kinh tế Việt Nam trước COVID. Cần khôi phục lại lượng khách du lịch để tất cả các động lực kinh tế Việt Nam cùng khởi động, ông Tim Evans - CEO HSBC Việt Nam nhận định.
Du lịch là động lực phát triển kinh tế của Việt Nam
Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 33 tỷ USD vào GDP. Trước dịch COVID, Việt Nam được dự đoán sẽ đón 20 triệu lượt khách du lịch trong năm 2020, kỳ vọng sẽ đóng góp 36 tỷ USD cho GDP, tương đương 14% tổng GDP. Tuy nhiên, tới tháng 11/2021, Việt Nam mới chỉ đón 140.106 lượt khách nước ngoài, tương đương mức giảm trên 96%.
Động lực kinh tế này đã nguội lạnh trong 24 tháng qua, nhưng với tình hình biến chủng Delta đang dần yếu đi cùng với tỷ lệ tiêm phủ vaccine tăng lên, các cơ quan chức năng đã thảo luận về khả năng nới lỏng một số hạn chế du lịch và từng bước mở cửa lại biên giới.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã đặt ra thách thức mới đối với ngành du lịch Việt Nam. Mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm mạnh khoảng 70% so với đỉnh dịch hồi tháng 8, nhưng con số này đang có dấu hiệu tăng trở lại và khả năng sẽ trì hoãn thời điểm thực sự mở cửa ngành du lịch, gián tiếp ảnh hưởng lên tiến độ khôi phục của cả nền kinh tế trong năm tới.
Thúc đẩy cầu tiêu dùng, cơ sở hạ tầng sẽ “tiếp nhiên liệu” cho hoạt động kinh tế
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 ở mức 6,8%, HSBC cho biết, mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.
Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng, cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng đã thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam. Từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.
Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục "tiếp thêm nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo, năng lượng xanh sau khi Chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26. Mục tiêu năm 2045, năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ chiếm 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước.
Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội ngày 20/10 vừa qua, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu năm 2022 là tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
VN-Index giảm 10 điểm, nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ
Chỉ số PMI tháng 10 tăng lên 51,2 điểm: Ngành sản xuất Việt Nam hồi phục sau bão Yagi