Khoản đầu tư này biến Tây Ninh thành địa phương dẫn đầu trong cơ cấu đầu tư của Hùng Nhơn.
Ngày 14/5, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố vùng an toàn dịch bệnh của tỉnh Tây Ninh và chuỗi sự kiện Lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết Tây Ninh là địa phương ưu tiên trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Ngày 19/5 tới, liên doanh này sẽ tổ chức lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và khởi công đồng loạt 7 dự án trọng điểm trong chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi 8 dự án nông nghiệp công nghệ cao này trong giai đoạn 1 và 2 là 2.500 tỷ đồng, biến Tây Ninh thành địa phương dẫn đầu trong cơ cấu đầu tư của Hùng Nhơn.
"Đây là dự án kỷ lục về thời gian triển khai của Hùng Nhơn cho đến nay," ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Tập đoàn Hùng Nhơn thông tin tại họp báo. Ảnh: Lê Bình |
Tại họp báo, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn De Heus chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác.
Đặc biệt, phân vùng an toàn dịch bệnh theo khái niệm của OIE/WOAH, để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm.
“Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà châu Âu cao gấp 2-3 lần ở Việt Nam”, ông Gabor Fluit phân tích.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn De Heus thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Trung |
Tây Ninh hiện có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Thêm vào đó, Tây Ninh có 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong chuỗi sự kiện này, huyện Tân Châu sẽ trở thành địa phương thứ hai được Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh.
Lãnh đạo De Heus và Hùng Nhơn công bố thông tin về Quỹ Từ thiện DHN quy mô 30 tỷ đồng. Ảnh:Lê Bình |
Tại buổi họp báo, đại diện Tập đoàn Hoàng Gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã công bố thông tin về quỹ từ thiện DHN. Theo đó, Giám đốc điều hành quỹ là bà Vũ Lê Đan Thùy, Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn Hùng Nhơn. Gương mặt đại diện của quỹ là Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà.
Được biết, quỹ từ thiện DHN có quy mô 30 tỷ đồng với sứ mệnh cải thiện và nâng cao đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; và tổ chức các chương trình khám sức khỏe định kỳ.
>> ‘Gia đình 3 đời bán xăng dầu mà chưa bao giờ thấy khó như hiện nay’