Tỉnh sở hữu 'nóc nhà Nam Bộ' sẽ có 16 đô thị, trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế

21-04-2024 14:01|Thảo Đan

Tỉnh sở hữu "nóc nhà Nam Bộ" này tập trung phát triển đô thị, sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam Bộ – Việt Nam, là vị trí cầu nối giữa TP. HCM và thủ đô Phnom Pênh – Vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Phía Tây và Bắc của tỉnh giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km, có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát), 2 cửa khẩu chính, 12 cửa khẩu phụ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước; phía Nam giáp TP. HCM và tỉnh Long An.

Tỉnh Tây Ninh có địa điểm nổi tiếng là Núi Bà Đen, một địa danh nổi tiếng thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, cách Trung tâm khoảng 11km về phía Đông Bắc. Núi Bà Đen nằm trong quần thể 3 núi là núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen với chiều cao 986m, được mệnh danh là "Nóc nhà Nam Bộ" hay "Đệ nhất thiên sơn".

UBND tỉnh Tây Ninh vừa công bố kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong quý II/2024, tỉnh Tây Ninh sẽ thực hiện công bố và triển khai Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát điều chỉnh, xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đô thị.

Cùng với đó, tỉnh Tây Ninh cũng sẽ ban hành Đề án phát triển khu công nghiệp tỉnh giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh. Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tây Ninh năm 2024.

>> Tỉnh sở hữu khu công nghiệp lớn nhất nhì cả nước: Sắp có thêm 3 thành phố mới

Vì sao Tây Ninh trở thành tâm điểm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Bộ?
TP. Tây Ninh

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 1736/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023, của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2030, toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là thành phố Tây Ninh và sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I; 3 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông); 5 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng).

Bên cạnh đó tỉnh sẽ phát triển 7 đô thị mới loại V: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 53%. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng hơn 47 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh 33m2 sàn/người; phấn đấu diện tích sàn nhà ở xã hội đạt khoảng 670.000m2, tương ứng khoảng 15.200 căn.

Toàn tỉnh sẽ có 10 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 583ha vào năm 2030.

Đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Khám phá núi Bà Đen Tây Ninh – vùng đất sơn linh kỳ vĩ ở Nam Bộ
Núi Bà Đen, Tây Ninh

Mục tiêu, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 của Tây Ninh đạt khoảng 9,5%/năm; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.

Trên cơ sở đó, tỉnh Tây Ninh tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền Vùng Đông Nam Bộ…

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo hướng phát triển các dịch vụ cửa khẩu, kho bãi, logistics, tận dụng được quỹ đất đã bồi thường giải tỏa để kêu gọi thu hút các dự án đầu tư.

Tỉnh cũng thực hiện quy hoạch 9 vùng huyện với phạm vi là ranh giới hành chính hiện hữu và phần mở rộng dự kiến sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Vùng thành phố Tây Ninh: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; trung tâm phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Vùng thị xã Hòa Thành: phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo của tỉnh trong chùm đô thị Tây Ninh - Hòa Thành.

Vùng thị xã Trảng Bàng: đô thị sinh thái, có tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch và nông nghiệp kỹ thuật cao…

Vùng huyện Gò Dầu: trung tâm công nghiệp công nghệ cao.

Vùng huyện Dương Minh Châu: phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ở phía Đông của tỉnh Tây Ninh gắn với hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen.

Vùng huyện Bến Cầu: phát triển kinh tế biên mậu, thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp…

Vùng huyện Châu Thành: phát triển nông nghiệp.

Vùng huyện Tân Biên: phát triển nông - lâm nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, về nguồn.

Vùng huyện Tân Châu: phát triển nông - lâm nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

>> Tỉnh là cầu nối giữa TP. HCM và thủ đô của Capuchia sắp có khu công nghiệp hơn 2.300 tỷ đồng

'Thị xã nhỏ nhất nước' là mục tiêu khai thác của 'tỉnh rộng nhất Việt Nam'

Nhận ‘cú hích' từ các FTA, một ngành Việt Nam hút mạnh vốn FDI trở lại

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-so-huu-noc-nha-nam-bo-se-co-16-do-thi-tro-thanh-cua-ngo-thuong-mai-quoc-te-231638.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh sở hữu 'nóc nhà Nam Bộ' sẽ có 16 đô thị, trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH