Hướng dẫn mới về chế độ ốm đau, hưu trí trong BHXH bắt buộc
Thông tư 12/2025 của Bộ Nội vụ chính thức có hiệu lực từ 1/7, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 liên quan đến BHXH bắt buộc.
Trong đó, nhiều nội dung quan trọng về chế độ ốm đau, hưu trí, thai sản,… được quy định cụ thể, làm căn cứ chi trả và thực hiện chế độ cho người lao động.
Quy định mới về chế độ ốm đau
Thông tư nêu rõ các trường hợp người lao động được hưởng chế độ ốm đau, bao gồm: Người lao động thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật BHXH; Lao động nữ quay lại làm việc trước hạn chế độ thai sản; người nhờ mang thai hộ; chồng hoặc người nuôi dưỡng không nghỉ việc theo chế độ thai sản; Người lao động đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nhưng thuộc diện được hưởng chế độ ốm đau theo luật định.
Về thời gian hưởng, người lao động được nghỉ ốm tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật BHXH, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm. Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày trước 1/7/2025 sẽ không tính gộp với thời gian nghỉ từ thời điểm sau đó.
Đặc biệt, nếu thời gian nghỉ ốm trùng với nghỉ lễ, nghỉ hàng tuần, hoặc nghỉ theo chế độ khác (thai sản, dưỡng sức...) thì không được tính để hưởng chế độ ốm đau.

Tiền trợ cấp ốm đau được tính theo ngày làm việc thực tế, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hay ngày nghỉ có lương khác. Có hai cách tính chính:
Theo mức lương đóng bảo hiểm: Lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH chia cho số ngày làm việc trong tháng, nhân với số ngày nghỉ.
Theo tỷ lệ hưởng (%): Người lao động được hưởng mức 65% nếu đã đóng BHXH từ 30 năm trở lên, 55% nếu đóng từ 15 đến dưới 30 năm, 50% nếu dưới 15 năm.
Trường hợp Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu, mức trợ cấp ốm đau không thay đổi.
Điều kiện hưởng lương hưu trong điều kiện lao động khó khăn
Thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hoặc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên trước 1/1/2021 hoặc khai thác than hầm lò) được tính để hưởng lương hưu nếu người lao động thực sự làm việc hoặc nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thai sản có đóng BHXH. Thời gian đi học, công tác nơi khác hoặc đóng một lần 6 tháng còn thiếu không được tính.
Thông tư 12 cũng nêu rõ các điều kiện để người lao động được hưởng chế độ hưu trí. Trong đó, người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu tối đa 6 tháng đóng BHXH có thể đóng tiếp một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất để đủ điều kiện.
Thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, hoặc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xác định bao gồm cả: Thời gian nghỉ điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có lương và đóng BHXH); Thời gian nghỉ thai sản nếu vẫn tính đóng BHXH.
Tuy nhiên, thời gian được cử đi học, đi làm nơi khác hoặc đóng một lần cho thời gian còn thiếu sẽ không được tính là làm việc ở vùng khó khăn.
Đến tuổi hưu vẫn tiếp tục làm việc được hưởng trợ cấp một lần
Thời điểm bắt đầu được hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau khi người lao động đủ tuổi và điều kiện về thời gian đóng BHXH. Nếu vẫn tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu thì thời điểm hưởng lương hưu sẽ tính sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Trường hợp không xác định rõ ngày, tháng sinh thì việc tính tuổi nghỉ hưu sẽ căn cứ vào quy định tại Nghị định 158/2025.
Ngoài ra, với người đã đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng tiếp tục đóng BHXH, nếu đóng vượt quá 35 năm (nam) hoặc 30 năm (nữ), sẽ được hưởng trợ cấp một lần: bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương nếu đóng vượt trước tuổi nghỉ hưu; bằng 2 lần mức bình quân tiền lương nếu đóng vượt sau tuổi nghỉ hưu.
Đối với những người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 nhưng không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác, thời điểm hưởng lương hưu sẽ căn cứ vào văn bản giải quyết của cơ quan BHXH.
Thông tư 12/2025 được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động nắm rõ hơn các quy định về BHXH bắt buộc, đặc biệt là trong các tình huống nghỉ ốm, nghỉ hưu, giúp đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ.
>> Thẻ BHYT chưa điều chỉnh thông tin địa chỉ có còn dùng được không?