Kiến thức

Huy động 12.000 người, áp dụng công nghệ vĩ đại xây tòa nhà chọc trời 828m cao nhất thế giới: Bơm hỗn hợp xi măng lên độ cao 600m, lực đẩy có thể nhấc bổng 5 con voi

Linh Chi 19/08/2024 16:09

Việc xây dựng tòa tháp này yêu cầu nỗ lực "trên cả khổng lồ", ước tính có tới 22 triệu giờ lao động đã được sử dụng với sự tham gia của 12.000 chuyên gia và công nhân từ 100 quốc tịch khác nhau.

Tòa nhà cao nhất thế giới

Burj Khalifa là tòa nhà "cao chọc trời" ở thành phố Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tòa nhà này có chiều cao lên tới 828,3m và 163 tầng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là công trình cao nhất thế giới.

Burj Khalifa được thiết kế và thi công bởi công ty Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) từ Chicago, nổi tiếng với việc thiết kế Willis Tower và Trung tâm Thương mại Thế giới Một. Adrian Smith là kiến trúc sư trưởng và Bill Baker là trưởng công trình sư của dự án. Hyder Consulting được chọn làm kỹ sư giám sát, cùng với NORR Group Consultants International Limited giám sát về kiến trúc của dự án. CBM Engineers thực hiện công tác xem xét của bên thứ ba (Third Party Peer Review).

So sánh mặt cắt ngang của các tòa tháp.

So sánh mặt cắt ngang của các tòa tháp.

Thiết kế của Burj Khalifa có nguồn gốc từ kiến trúc Hồi giáo truyền thống. Mặc dù thiết kế của tòa tháp có một số yếu tố tương tự như Tower Palace III, nhưng Burj Khalifa có cấu trúc đại sảnh hình chữ Y để tối ưu hóa không gian và tạo ra không gian bên ngoài thoáng mát. Khu trung tâm của Burj Khalifa chứa tất cả các thang máy, ngoại trừ cầu thang thoát hiểm được thiết kế ở mỗi bên cánh của hình chữ Y. Tòa tháp cũng được trang bị hệ thống ốp chịu nhiệt độ cao của mùa hè nóng bức ở Dubai và có tổng cộng 57 thang máy và 8 thang cuốn.

Tòa nhà bắt đầu xây dựng từ tháng 1/2004 và đến 04/01/2010 chính thức ra mắt. Quá trình xây dựng tháp diễn ra khá nhanh chóng nhưng không kém phần đột phá. Chỉ sau 1.325 ngày xây dựng, Burj Khalifa đã vượt qua tháp Đài Bắc 101 (Đài Loan, Trung Quốc), trở thành tòa nhà cao nhất thế giới.

Để xây dựng một dự án liên quan đến chiều cao là điều không hề dễ dàng. Cần nhiều yếu tố kỹ thuật như làm sao để xây dựng một cấu trúc có thể đứng vững ở độ cao như vậy, ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là các cơn bão có khiến tháp trụ vững, cách vận chuyển vật liệu cần thiết đến các địa điểm xây dựng ở trên cao diễn ra như thế nào...

Tính khí động học là yếu tố then chốt giúp Burj Khalifa chống lại các cơn bão, điều mà công trình này đạt được mà không cần sử dụng các biện pháp giảm chấn tiêu tán động lượng như ở tháp Đài Bắc 101.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là công trình cao nhất thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là công trình cao nhất thế giới.

Theo thống kê, việc xây dựng tòa tháp này yêu cầu nỗ lực "trên cả khổng lồ". Ước tính có tới 22 triệu giờ lao động đã được sử dụng, với sự tham gia của 12.000 chuyên gia và công nhân từ 100 quốc tịch khác nhau. Burj Khalifa được hoàn thành nhờ sử dụng 39.000 tấn thép và 330.000 tấn bê tông. Người ta còn tính được rằng nếu xếp các thanh cốt thép của tòa nhà trên một đường thẳng, tổng chiều dài sẽ bằng một phần tư chu vi Trái đất.

Để tạo ra móng cho Burj Khalifa, 192 thanh bê tông được đóng xuống đất để tạo thành lớp móng sâu hơn 50m. Ở trung tâm của móng là một tấm bê tông dày 3,7m, làm nền tảng vững chắc cho toàn bộ cấu trúc bên trên. Tổng cộng, khoảng 45.000 m³ bê tông đã được sử dụng cho phần móng của tòa tháp.

Trên mặt đất, ba chiếc cần cẩu hoạt động liên tục suốt ngày đêm để nâng vật liệu lên tận tầng 156 của tòa nhà, với độ cao hơn 700m. Các kế hoạch chi tiết đã được xây dựng để hạ các cần cẩu xuống mặt đất, đặc biệt là khi xét đến kích thước khổng lồ của chúng.

Áp dụng công nghệ hiện đại

Năm 2003, 33 lỗ khoan đã được thực hiện để nghiên cứu sức mạnh của nền tòa tháp nằm bên dưới cấu trúc bê tông. Kết quả cho thấy đá sa thạch và đá vôi khá yếu chỉ cách mặt đất vài mét. Các mẫu từ các lỗ khoan thử nghiệm, được khoan đến độ sâu 140 mét, cho thấy đá ở đây rất yếu. Nghiên cứu mô tả địa điểm này như một phần của "khu vực hoạt động địa chấn".

Vào tháng 11/2007, Burj Khalifa đã thiết lập kỷ lục thế giới mới về bơm bê tông thẳng đứng với hệ thống tường lõi bê tông cốt thép, bơm hỗn hợp bê tông lên độ cao 601m, vượt qua kỷ lục trước đó của tòa nhà cao 470m tại Đài Bắc và kỷ lục thế giới trước đó về bơm thẳng đứng 532m cho phần mở rộng của Nhà máy Thủy điện Riva del Garda vào năm 1994.

Tháp Burj Khalifa đẹp lung linh.

Tháp Burj Khalifa đẹp lung linh.

Áp suất bê tông trong quá trình bơm đạt gần 200 bar (khoảng 2.900 psi). Sự thành công trong việc đạt được độ cao đáng kinh ngạc này là nhờ vào máy bơm áp suất cao gắn trên rơ-moóc. Bê tông cần khoảng 40 phút để di chuyển từ khi được đổ đầy cho đến khi xả ra khỏi ống phân phối.

Khối lượng bê tông trong ống dẫn lên tới xấp xỉ 11m³ với chiều cao của tòa tháp, tức là đẩy khoảng 25 tấn bê tông mỗi lần bơm, tương đương trọng lượng của 5 con voi lớn. Nhờ vào chất phụ gia đặc biệt, bê tông có thể được sử dụng trong hơn 3 giờ trước khi bắt đầu đông cứng, giúp rút ngắn thời gian xây dựng và tăng cường sự ổn định của công trình.

Trong thời gian khoảng 32 tháng, máy bơm cao áp và hai máy bơm khác đã cung cấp hơn 165.000m³ bê tông chịu lực, đủ để lấp đầy 66 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Lớp phủ bên ngoài của tòa nhà cần sự tham gia của khoảng 300 kỹ sư và đội xây dựng làm việc liên tục. Lượng nhôm sử dụng cho tháp tương đương với nhôm của năm máy bay phản lực cỡ lớn của Boeing.

Bố trí thang máy của Burj Khalifa cũng rất ấn tượng. Tòa tháp sử dụng ba tầng chuyên biệt làm trung tâm cho các thang máy chính, cho phép các thang máy nhỏ hơn "cục bộ" chở người đến các tầng khác. Không có thang máy nào chạy thẳng từ trên xuống dưới; tuy nhiên, thang máy dịch vụ trung tâm cao hơn 500m trở thành thang máy đơn cao nhất thế giới. Burj Khalifa có tổng cộng 57 thang máy.

Trên đỉnh của Burj Khalifa là một ngọn tháp mang tính biểu tượng, cấu trúc kính thiên văn nặng 4.000 tấn thép. Nó được xây dựng bên trong tòa tháp, sau đó được nâng lên vị trí cuối cùng bằng phương pháp thủy lực.

Để duy trì bề ngoài của tháp, đội ngũ nhân viên lau cửa sổ và bảo trì làm việc thường xuyên. Đây được đánh giá là một trong những công việc "dựng tóc gáy" nhất trên thế giới.

Quốc Kỳ Việt Nam từng xuất hiện tại tháp Burj Khalifa vào ngày 2/9/2020

Quốc Kỳ Việt Nam từng xuất hiện tại tháp Burj Khalifa vào ngày 2/9/2020

Xác lập loạt kỷ lục thế giới

Burj Khalifa được thiết kế để trở thành trung tâm của Downtown Dubai (bao gồm 30.000 ngôi nhà, 9 khách sạn, 3 ha công viên, ít nhất 19 tòa tháp, Dubai Mall, hồ nhân tạo Burj Khalifa và Dubai Fountain rộng 12 ha). Tòa tháp cũng lập nhiều kỷ lục thế giới như:

Cấu trúc cao nhất từng được xây dựng: 829,8m (trước đó là cột phát thanh Warsaw ở Ba Lan cao 646,38m)

Kết cấu độc lập cao nhất: 829,8m (trước đó là tháp CN ở Canada cao 553,3m)

Tòa nhà chọc trời cao nhất (đến đỉnh ngọn tháp): 828m (trước đây là Đài Bắc 101 cao 509,2m)

Tòa nhà chọc trời cao nhất tính đến đỉnh ăng-ten: 829,8m (trước đó là Willis Tower (trước đây tên là Sears Tower) cao 527m)

Công trình có nhiều tầng nhất: 211 (bao gồm cả chóp) (trước đó là Trung tâm Thương mại Thế giới với 110 tầng)

Hệ thống thang máy cao nhất thế giới

Thang máy di chuyển dài nhất thế giới: 504m

Bơm bê tông thẳng đứng cao nhất (cho một tòa nhà): 606m

Cấu trúc cao nhất thế giới bao gồm không gian cho dân cư

Đài quan sát ngoài trời cao nhất thế giới: tầng 124 ở độ cao 452m

Hộp đêm cao nhất thế giới: tầng 144

Nhà thờ Hồi giáo cao nhất thế giới: tầng 158

Nhà hàng cao nhất thế giới (At.mosphere): tầng 122 ở độ cao 442m (trước đó là nhà hàng 360 ở độ cao 350m trong Tháp CN)

Thang máy chạy nhanh thứ năm thế giới: 36 km/h hoặc 600m/phút (sau CTF Finance Centre tốc độ 1200m/phút, tháp Thượng Hải tốc độ 1080m/phút, Đài Bắc 101 tốc độ 1010m/phút và Yokohama Landmark Tower với tốc độ 750m/phút)

Triển lãm pháo hoa năm mới xuất sắc và hoành tráng nhất thế giới.

>> Huy động 2.000 công nhân xây tòa nhà chọc trời 200 nghìn tỷ nổi giữa biển, dát 2.000m2 vàng lá, 70.000m3 bê tông, là 'khách sạn 7 sao đầu tiên của thế giới'

Tòa nhà chọc trời từng là kiệt tác kiến trúc nay bị bán với giá... 250.000 đồng, đổi chủ liên tục, nguy cơ trở thành ‘tòa nhà ma’

Huy động 2.000 công nhân xây tòa nhà chọc trời 200 nghìn tỷ nổi giữa biển, dát 2.000m2 vàng lá, 70.000m3 bê tông, là 'khách sạn 7 sao đầu tiên của thế giới'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/huy-dong-12000-nguoi-ap-dung-cong-nghe-vi-dai-xay-toa-nha-choc-troi-828m-cao-nhat-the-gioi-bom-hon-hop-xi-mang-len-do-cao-600m-luc-day-co-the-nhac-bong-5-con-voi-d130816.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Huy động 12.000 người, áp dụng công nghệ vĩ đại xây tòa nhà chọc trời 828m cao nhất thế giới: Bơm hỗn hợp xi măng lên độ cao 600m, lực đẩy có thể nhấc bổng 5 con voi
POWERED BY ONECMS & INTECH