Khi bà bị bắt, quân địch mất 10 tuần tra tấn mà chỉ nhận được cái bĩu môi từ nữ biệt động này.
“Tiểu long nữ” của biệt động Sài Gòn
Nữ biệt động Phùng Ngọc Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo gốc Hoa, sống gần dòng sông Cái yên bình, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Khi lên 8 tuổi, gia đình bà chuyển từ quê lên Sài Gòn, định cư tại khu vực Chợ Lớn. Vào năm 1961, bà được gia đình gửi sang Hồng Kông để học tập. Dù phải vừa học vừa làm lụng kiếm tiền, Phùng Ngọc Anh luôn đam mê đọc sách và theo dõi tin tức, luôn nhớ về quê hương. Không giống như nhiều người bạn thích an phận, bà luôn khao khát quay trở lại Sài Gòn để tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Vào năm 1964, khi nghe tin mẹ mắc bệnh nặng, bà quyết định trở về Sài Gòn để chăm sóc mẹ và tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, với một nữ sinh đang học ở Hồng Kông, một thuộc địa của Anh, việc tiếp cận cơ sở cách mạng ở nội thành Sài Gòn là rất khó khăn.
Lần đầu tiên gặp cách mạng là ngày bà mới trở về từ Hồng Kông, khi ấy gia đình bà đang nuôi giấu một cán bộ cách mạng tên là Tư Bình. Khi gặp lần đầu, ông Tư Bình vẫn cảnh giác với bà vì lo bà quen sự tự do ở Hồng Kông, ông sợ chỉ cần bà lỡ lời cũng có thể gây nguy hiểm cho cán bộ và hưởng lớn đến cơ sở cách mạng. Bởi vậy, bà rất kiệm lời, chỉ âm thầm giúp gia đình nuôi giấu cán bộ.
Để nhận được sự tin tưởng, một lần khi Tư Bình vắng nhà, Ngọc Anh lẻn vào phòng riêng và tình cờ nhìn thấy một xấp thư lên án và cảnh cáo các tay sai ác ôn của đối phương. Cô lấy hết và bí mật gửi đến những địa chỉ ghi trên bì thư mà không một ai hay biết. Tư Bình hoảng hồn khi phát hiện ra bức thư mất, Ngọc Anh ngay lập tức giải thích: “Tui ăn cắp đồ của anh nhưng tui không có làm bậy. Tui đi gửi cho họ rồi…”
Từ đó, Tư Bình bắt đầu hướng dẫn Ngọc Anh tham gia vào một đơn vị võ trang, do đồng chí Phùng Sinh phụ trách, để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến truyền thư, liên lạc và lập kế hoạch ám sát các tay sai ác ôn gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân và cách mạng.
Sau hơn một năm hoạt động, khi đồng chí chỉ huy Phùng Sinh mắc bệnh tim nặng, tổ chức quyết định để ông lui về tuyến sau để chữa trị, Ngọc Anh được điều động thay thế và trở thành chỉ huy đội võ trang biệt động. Đơn vị biệt động này mang tên mật "Cánh Hoa", nhiệm vụ chính là tiến hành trinh sát và lập kế hoạch ám sát các tay sai ác ôn nổi tiếng. Ngọc Anh được giao quản lý một khẩu súng colt Mỹ cùng với 50 viên đạn, đồng thời được phân công cùng 8 chị em khác.
Hàng ngày, Ngọc Anh cùng các đồng đội mang theo súng lắp đầy đạn, rong ruổi trên các con phố của Sài Gòn để tìm kiếm các tay sai ác ôn, cũng như lính Mỹ, để tiến hành ám sát. “Lúc bắn đâu biết chúng là ai. Hôm sau đọc báo mới biết chúng là sĩ quan cao cấp, cố vấn Mỹ”, bà kể lại.
Trước ngày kỷ niệm lễ Quốc khánh năm 1967, Ngọc Anh và Tiểu Yến đã mang theo hai khẩu súng ra đường. Từ 2h chiều đến 11h đêm, hai chị em đã thực hiện 5 vụ ám sát đối với lính Mỹ trên đường phố, làm cho cả Sài Gòn sửng sốt và hoảng sợ trước những sát thủ bí ẩn.
Báo chí và quân đội Mỹ đã đặt cho họ những biệt danh như "Tiểu Long Nữ", "Rồng Xanh", "Rồng Đỏ"... những nhân vật bí ẩn xuất hiện bất ngờ trên đường phố để tiến hành ám sát lính Mỹ. Khi gặp phải lính Mỹ, Ngọc Anh hoặc Tiểu Yến một người sẵn sàng ngồi trên xe nổ máy sẵn, một người khác tiến đến từ phía sau lính Mỹ khoảng 2-3 mét, dùng nón che cây súng lục ngắm rồi bóp cò 2 phát. Dù họ áp sát từ phía sau nhưng không một ai có thể nhận ra kẻ bắn tỉa đang ẩn nấp.
Những chiến sĩ biệt động này nhanh chóng rút vào các con hẻm nhỏ và sau một chút thời gian, họ "lột xác" thành những cô gái nhỏ buôn bán trong chợ, hoàn toàn không gây sự nghi ngờ. Bà được người Sài Gòn khi ấy đó trìu mến gọi bằng biệt danh “Tiểu Long nữ trên đường phố”.
Vụ ám sát định mệnh và cái bĩu môi khinh thường địch
Từ tháng 9/1967, trong bối cảnh chiến tranh ở Việt Nam đang trở nên căng thẳng, Nhà Trắng đã tăng cường việc triển khai quân đội thuộc các quốc gia đồng minh, cũng như các đội thám báo và mật vụ từ nhiều quốc gia khác nhau đến Sài Gòn để thu thập thông tin, điều tra các cơ sở bí mật của phong trào cách mạng với mục đích tiêu diệt.
Trong tình hình đó, tổ chức đã giao cho Ngọc Anh nhiệm vụ tiêu diệt Đại tá Chung Tao, một Đặc vụ trưởng Đài Loan đang cư trú trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5. Sau khi nắm được lịch trình hoạt động của đối tượng, vào sáng ngày 19/9/1967, Ngọc Anh cùng Thanh Hồng đã đến khu vực mai phục tại đầu hẻm, nhưng cho đến 12h trưa vẫn không thấy Đại tá Chung Tao xuất hiện. Trong cùng thời gian đó, lực lượng biệt động Sài Gòn đã thực hiện một vụ đánh bom tại cơ sở đại diện, nhưng Đại tá Chung Tao đã thoát chết.
Khoảng 1h sáng, khi hai tay lính bảo vệ đưa Chung Tao về nhà và mở cửa ra hẻm, Ngọc Anh ngay lập tức rút súng và nhắm vào lưng của Đại tá, bóp cò khiến anh ta ngã xuống đất và văng cặp tài liệu ra đường.
Ngọc Anh đã nhanh chóng lao đến và giật cặp tài liệu, trong khi đồng đội Thanh Hồng nổ máy xe để chuẩn bị chạy trốn. Tuy nhiên, Đại tá Chung Tao chưa chết, bất ngờ vùng dậy và đá văng khẩu súng đang nằm trong tay của Ngọc Anh. Hai tay lính bảo vệ đã nhanh chóng đến và bắt giữ Ngọc Anh.
Sau đó là những ngày đau khổ khi Ngọc Anh bị kẻ thù tra tấn một cách tàn bạo, không thương tiếc. Trong số đó, có một lần họ sử dụng một loại dung dịch hóa chất đặc biệt nhúng hai tay của Ngọc Anh vào để kiểm tra các dấu vết trên da từ các loại súng đã được sử dụng trong các vụ ám sát lính Mỹ và các cố vấn quân sự. Đôi bàn tay của bà đau đớn vì bị bỏng nhưng vẫn không khai ra bất kỳ điều gì.
Sau đó, chúng kéo Ngọc Anh ra trước báo chí, và một nhà báo Mỹ đã chụp lại hình ảnh kiên cường của bà và đưa về Mỹ. Bức ảnh này sau đó được trưng bày trong kho lưu trữ dữ liệu chiến tranh của Mỹ. Gần 40 năm sau, một sinh viên nữ Mỹ tên Molly, trong quá trình nghiên cứu đề tài "Truyền thống của phụ nữ Việt Nam", đã phát hiện ra bức ảnh này. Molly đã mang bức ảnh này đi một nửa vòng trái đất đến Việt Nam để tặng cho Ngọc Anh.
Theo một số nguồn tin, thời điểm đó, cảnh sát chính quyền Sài Gòn gọi bà Ngọc Anh với biệt danh là "Dragon Lady”. Đại úy cảnh sát, Đội trưởng đội tra tấn thẩm vấn của địch – Phạm Quang Tân thừa nhận phải mất 10 tuần tra tấn mà chỉ nhận được cái bĩu môi từ bà.
Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, khi Sài Gòn đang chìm trong cuộc chiến khốc liệt, bọn địch đã tận dụng cơ hội này để tiêu diệt những tù chính trị quan trọng như đồng chí Trần Văn Kiểu (Chín Ka), Lê Thị Riêng và Phùng Ngọc Anh.
Vào đêm Mùng 2 Tết Mậu Thân, bọn địch đưa 3 đồng chí trên một xe tù rời khỏi Tổng Nha Cảnh sát, hướng về Bến Hàm Tử và sau đó đi qua đường Hồng Bàng, quận 5, trên đường về Sài Gòn. Chúng đã dàn kịch bản bị Việt Minh phục kích để xả dùng bắn hạ các chiến sĩ cộng sản từ phía sau xe. Hành động tàn bạo và đê tiện này đã gây sốc và phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế và những người ủng hộ hòa bình trên khắp thế giới.
Trong lúc nguy hiểm đó, đồng chí Lê Thị Riêng đã nằm phủ lên Ngọc Anh, dùng thân mình làm chắn đạn để bảo vệ Ngọc Anh và hy sinh. Khi đến lấy xác, các bác sĩ phát hiện Ngọc Anh vẫn còn sống, sau đó bà được đưa về nhà thương Chợ Quán để cứu chữa. Cuối năm 1969, bà bị kết án và đày ra Côn Đảo. Đến đầu năm 1974, bà được trao trả tù binh. Ngày đất nước thống nhất, bà trở về và tiếp tục cống hiến cho quê hương.
Nguồn:
- Chuyện "chết đi sống lại" của một nữ biệt động - Báo Người lao động
- Kỳ cuối: Vững chí, bền gan trước họng súng quân thù - Báo Công an Nhân dân
- Câu chuyện anh hùng - Bài 2: “Tiểu Long nữ” thế kỷ 20 - Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh