Giá kê khai lại tăng từ 2 - 5 lần so với ban đầu, cá biệt có hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng đất tăng từ 500 triệu đồng lên 10 tỷ đồng, mức tăng áp 20 lần.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, cơ quan thuế tại nhiều tỉnh thành đã đồng loạt thực hiện việc yêu cầu người dân thực hiện kê khai giá giao dịch bất động sản theo giá thị trường.
Ông Nguyễn Nam Bình - Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, chỉ trong nửa đầu tháng 3 đã thực hiện trả lại hơn 1.200 hồ sơ đóng thuế sang nhượng đất vì có dấu hiệu kê khai không sát thực tế, trong đó có 155 hồ sơ kê khai bổ sung nộp lại cơ quan thuế. Đáng chú ý, giá kê khai lại tăng từ 2 - 5 lần so với ban đầu, cá biệt có hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng đất tăng từ 500 triệu đồng lên 10 tỷ đồng.
Tại TP. HCM, nhiều hồ sơ giao dịch bất động sản cũng được trả lại yêu cầu người mua bán kê khai lại giá vì khai thuế thấp hơn so với mức giao dịch.
Để tránh thất thu thuế trong giao dịch bất động sản, cơ quan thuế Bà Rịa-Vũng Tàu và TP. HCM kiến nghị cho phép ngành thuế sử dụng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm, tra cứu các giao dịch đã thành công ở khu đất liền kề để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính, tránh trường hợp kê khai 2 giá như tình hình vừa qua.
Theo khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu độc lập của Trường đại học Tài chính - Marketing đã điều tra, tìm hiểu tại 6 quận của TP. HCM từ giữa năm 2020, kết quả thu thập được từ 543 bất động sản giao dịch trên thị trường cho thấy, đơn giá đất giao dịch cao nhất 719,593 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 33,007 triệu đồng/m2.
Giá trung bình trong toàn mẫu là 148,954 triệu đồng/m2. Giá đất giao dịch trên thị trường cao hơn rất nhiều so với giá đất do UBND thành phố ban hành 8,23 lần.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu biện pháp chống thất thu thuế bất động sản
Hà Nội sắp lập Ban chỉ đạo quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản