Kéo giảm 'thừa tiền' trong năm 2024

20-01-2024 16:16|Linh Nhi

Theo các chuyên gia, năm 2024 sẽ là một năm có nhiều thách thức, chông gai đối với thị trường tài chính Việt Nam do nền kinh tế chưa có nhiều động lực tăng trưởng.

Theo các chuyên gia tài chính, việc tháo gỡ những vướng mắc cho ngành ngân hàng hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, bởi các ngân hàng đang nắm giữ lượng vốn rất lớn của nền kinh tế. Nếu không giảm tải được tình trạng “thừa tiền”, không khơi thông được “dòng chảy” tài chính quốc gia thì nền kinh kế sẽ tiếp tục gặp khó.

Việc thừa tiền xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là do người dân, doanh nghiệp không có nhu cầu dẫn đến sức cầu yếu. Khi sức cầu yếu thì doanh nghiệp cũng không muốn vay thêm vốn để sản xuất kinh doanh. Người dân, doanh nghiệp không vay thì ngân hàng “thừa tiền”.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thừa tiền là vì doanh nghiệp cần tiền nhưng không đủ khả năng vay tiền.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia ngành tài chính ngân hàng cho biết, để giải quyết 2 nguyên nhân nói trên thì cần phải kích cầu, đưa ra các chính sách giảm thuế, phí để người dân tăng cường mua sắm, tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.

“Khi cỗ xe tam mã gồm: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công tăng trưởng mạnh thì tình trạng thừa tiền mới được xử lý tốt. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có đầu tư công là đang được thực hiện tốt, còn sức cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đang còn khá yếu ớt”, ông Huân nói.

Theo ông Huân, việc hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng cần được triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Cũng theo ông Huân, hiện nay, nhiều hiệp định thương mại đã ký với Việt Nam nhưng cần đưa những hiệp định này vào hiện thực. Điển hình như việc Việt Nam và Mỹ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Những điều khoản cụ thể cần được triển khai, thực hiện và áp dụng trong thực tế.

Việc triển khai được Chính phủ thực hiện rất ráo riết, tuy nhiên các cơ quan ban ngành liên quan và Cục Xúc tiến thương mại cũng cần chủ động đề nghị phía Mỹ gỡ bỏ những “rào cản”. Đặc biệt là rào cản trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản hay những loại thuế chống bán phá giá.

Ông Huân đánh giá, việc giảm thuế VAT cũng sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách đặc biệt cho ngành bất động sản, bởi ngành này đang giữ một lượng vốn khá lớn của nền kinh tế. Chính vì vậy, thị trường bất động sản cần được “vực dậy” càng sớm càng tốt và chính sách phải mang tính dài hạn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại, ông Huân nhận định, các chính sách tiền tệ hiện nay đã mang tính chất “bão hòa”, nếu thực hiện tiếp cũng không có quá nhiều tác dụng cho nền kinh tế. Bởi, lãi suất cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử (dưới 3%), có những thời điểm lãi suất liên ngân hàng đã xuống sát mức 0%. Điều này thể hiện sự vô hiệu hóa của chính sách tiền tệ, tức “không thể làm gì hơn”.

Còn theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, để năm mới không còn “thừa tiền” thì ngoài những phương án nói trên, cần phải “gỡ bỏ” công cụ cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng). Điều này sẽ góp phần khơi thông dòng vốn chảy vào nền kinh tế.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng còn tiền và có khách hàng tiềm năng chờ vốn nhưng không thể cho vay vì hết room tín dụng. Một số ngân hàng phải làm đơn xin NHNN cấp thêm room tín dụng để người dân, doanh nghiệp có thể vay.

Ông Lực cho biết, NHNN muốn kiểm soát hạn mức tín dụng để các ngân hàng không chạy đua tăng lãi suất huy động. Điều này có thể gây áp lực lên lạm phát và hạn chế gia tăng nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN có thể kiểm soát việc này thông qua các hệ số an toàn rủi ro, điển hình như Hệ số an toàn vốn (CAR). Việc sử dụng hệ số CAR vừa công khai, minh bạch vừa không can thiệp hành chính một cách trực tiếp vào công việc cho vay của ngân hàng.

“Khi chúng ta áp dụng hệ số CAR thì rõ ràng sẽ kiểm soát tổ chức tín dụng về mặt vốn chủ sở hữu và đầu tư cho vay. Tức, nếu tổ chức tín dụng muốn tăng trưởng tín dụng 15% thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng tương ứng. Đây cũng là cách mà các nước phát triển đang áp dụng và trở thành thông lệ quốc tế” , ông Lực nói.

>> Gỡ khó đồng bộ các thị trường để 'chữa bệnh' thừa tiền

Gỡ khó đồng bộ các thị trường để 'chữa bệnh' thừa tiền

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/keo-giam-thua-tien-trong-nam-2024-220669.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kéo giảm 'thừa tiền' trong năm 2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH