Ứng dụng kinh nghiệm sản xuất thực phẩm của Nhật Bản, không ngừng tìm tòi, phát triển sản phẩm có hương vị phù hợp với người dân bản địa là cách Acecook Việt Nam bứt phá trong ngành hàng mì ăn liền.
Những khó khăn ngày đầu khai phá thị trường…
Năm 1993 được xem là một trong những dấu mốc quan trọng cho sự phát triển mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Nhật Bản, đây cũng là năm Acecook quyết định đầu tư vào ngành hàng mì ăn liền tại Việt Nam.
Ông Kajiwara Junichi - Chủ tịch HĐQT Acecook Việt Nam chia sẻ: “Ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam, sự hiếu khách và thân thiện cũng như tinh thần hăng say học hỏi của người dân nơi đây đã tạo cho chúng tôi sự yêu mến và niềm tin sau này Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá đây là một nơi tiềm năng để Acecook có thể phát huy những thế mạnh tích lũy nhiều năm của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Nhật Bản nên quyết định đầu tư”.
Theo đại diện doanh nghiệp, thử thách lớn nhất mà Acecook phải trải qua trong thời gian đầu là bài toán giá. Khi mới thành lập, công ty ứng dụng công nghệ và sử dụng nguyên liệu của Nhật Bản nên giá thành sản phẩm rất cao, trong khi giá mì gói chung trên thị trường lúc đó chỉ tầm 600 - 700 đồng/gói thì sản phẩm của Acecook Việt Nam có giá 1.800 đồng - 2.000 đồng/gói, gấp đến 2 - 3 lần nên bán chậm. Tiết giảm chi phí mà không giảm chất lượng là bài toán khó mà Acecook cần phải giải.
“Công ty đã tìm đến các nhà cung cấp nguyên liệu tại Nhật Bản, nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, mặt khác cũng hỗ trợ họ một phần trong việc nâng cấp một số thiết bị, máy móc, hệ thống nhà máy theo chuẩn của Acecook. Sau 5 năm thực hiện và chuyển đổi, đến năm 2000, Acecook Việt Nam đã có những nhà cung cấp nguyên liệu trong nước tốt, đáp ứng nhu cầu và bắt đầu cân bằng về giá với thị trường”, ông Kajiwara Junichi nhớ lại.
Kế tiếp là khó khăn về khác biệt văn hóa. Công ty nhận ra nền tảng quản lý an toàn thực phẩm chất lượng cao, kỹ thuật công nghệ và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất mì ăn liền tại Nhật Bản của mình là chưa đủ, cần phải tạo ra sản phẩm có hương vị phù hợp với người dân bản địa. Và Acecook Việt Nam đã trao nhiệm vụ tìm ra các hương vị yêu thích của người tiêu dùng cho chính đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm là người Việt.
Sự kết hợp “công nghệ Nhật Bản, hương vị Việt Nam” đã giúp tạo nên thương hiệu Acecook nổi tiếng như: mì Hảo Hảo vị tôm chua cay, bún Hằng Nga vị bún mắm hay hủ tiếu Nhịp Sống vị hủ tiếu Nam Vang…
“Trái ngọt” từ sự kết hợp công nghệ Nhật và hương vị Việt
Hiện Acecook đang sở hữu 11 nhà máy, 6 chi nhánh trên toàn Việt Nam, mỗi nhà máy đều có chi phí đầu tư lên đến hàng chục triệu USD, với máy móc nhập khẩu hiện đại, các dây chuyền sản xuất có tỷ lệ tự động hoá hơn 90%, năng suất trung bình khoảng 600 gói mì mỗi phút/dây chuyền. Doanh thu của doanh nghiệp năm 2022 khoảng 14.000 tỷ đồng và cung cấp cho thị trường hơn 3 tỷ sản phẩm thực phẩm ăn liền mỗi năm.
Riêng mì ăn liền Hảo Hảo đang là sản phẩm mì ăn liền bán chạy nhất Việt Nam trong nhiều năm. Đến cuối năm 2021, công ty đã bán được 30 tỷ gói mì Hảo Hảo, tương đương mức tiêu thụ bình quân hơn 1,4 tỷ gói/năm. Trong nhiều năm liền, công ty luôn nằm trong Top Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam với sự gắn bó, cống hiến của hơn 6000 cán bộ công nhân viên.
Theo ông Kajiwara Junichi, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển. Quan hệ hợp tác kinh tế là trọng tâm trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản nên các doanh nghiệp Nhật Bản trong đó có Acecook được hỗ trợ rất nhiều. Là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm công nghiệp, Acecook Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ việc đầu tư xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền hiện đại, phát triển công nghệ nghiên cứu thực phẩm tại các khu công nghiệp, tuyển dụng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Chia sẻ về định hướng sắp tới của công ty, ông KaJiwara Junichi cho biết: “Chúng tôi đang định hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng, áp dụng những công nghệ sản xuất mới để nâng cao năng lực sản xuất, không ngừng cải tiến lợi ích của sản phẩm, tối ưu hoá trong trải nghiệm của người tiêu dùng. Về mặt quản trị, công ty đang định hướng phát triển bền vững và một trong những mục tiêu không thể thiếu là việc góp phần cải thiện về môi trường sống, triển khai các hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa trong sản xuất, song song đó là các hoạt động truyền thông về việc tái chế các sản phẩm từ nhựa, các hoạt động nâng cao ý thức dinh dưỡng cộng đồng để có được lối sống khoẻ, cân bằng hơn”.
Ngọc Minh