Kết luận xử lý kiến nghị của ACV đối với việc các hãng hàng không Việt Nam 'chây ỳ' công nợ

21-03-2024 23:19|Hải Băng

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, ACV phát sinh khoản nợ xấu khoảng 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không Việt Nam, trong đó, quá nửa số nợ khó đòi đến từ Bamboo Airways.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có thông báo kết luận cuộc họp vào giữa tháng 3/2024 dưới sự tham gia của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Vietnam Airlines (HVN), Vietjet Air (VJC), Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines để xử lý kiến nghị của ACV đối với tình hình nợ và trả nợ của các hãng hàng không Việt Nam.

Kết luận xử lý kiến nghị của ACV đối với việc các hãng hàng không Việt Nam 'chây ỳ' công nợ
ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đỗ Hồng Cẩm, hoạt động của ngành hàng không trong thời gian vừa qua đã có những tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên những khó khăn, tồn tại vẫn là những thách thức đối với sự phục hồi của toàn ngành. Cục Hàng không đánh giá cao và đề nghị các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau, vì mục tiêu duy trì và phát triển hoạt động.

Về các khoản công nợ giữa ACV và các hãng hàng không Việt Nam, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết đây là vấn đề chịu sự điều chỉnh của các điều khoản hợp đồng và các quy định pháp luật về thương mại, dân sự hiện hành.

Trong bối cảnh tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực của các hãng hàng không Việt Nam trong việc thu xếp trả bớt nợ và tìm kiếm nguồn tài chính để thanh toán cho ACV trong thời gian qua, qua đó giảm bớt khoản nợ lũy kế của các hãng hàng không Việt Nam đối với ACV.

Để giải quyết những bất đồng và xử lý các nghĩa vụ thanh toán công nợ còn tồn đọng, Cục Hàng không đề nghị ACV và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực đàm phán, thỏa thuận để thống nhất phương án xử lý trên cơ sở chia sẻ rủi ro và lợi ích, bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan; trong đó, khuyến khích các bên thực hiện phương án khoanh nợ, giãn tiến độ trả nợ cũ và không làm phát sinh thêm nợ quá hạn mới, đồng thời ưu tiên thanh toán các khoản ACV thu hộ Nhà nước, bảo đảm đúng các quy định pháp luật.

Lãnh đạo Cục Hàng không đề nghị ACV cân nhắc việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không trên tinh thần thiện chí, hợp tác giữa các doanh nghiệp; đồng hành, chia sẻ lợi ích cũng như các rủi ro; cùng tầm nhìn và cùng mục tiêu vượt qua những khó khăn để tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không giao các phòng chức năng có liên quan của cục tiếp tục chủ động, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2024, ACV đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước báo cáo về một số công tác cần triển khai thực hiện nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với ACV.

ACV cho biết trong năm 2023 đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ nhưng kết quả thu hồi nợ và kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Kết luận xử lý kiến nghị của ACV đối với việc các hãng hàng không Việt Nam 'chây ỳ' công nợ
Bamboo Airways đang chiếm quá nửa nợ xấu của ACV

Tính đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi khoảng 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ các hãng hàng không phát sinh trong giai đoạn Covid-19.

Tình trạng này đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng hàng không vi phạm hợp đồng.

Cụ thể, ACV xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền gồm: không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 9 Cảng hàng không Quốc tế gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 cảng hàng không nội địa đó là Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân.

>> Chủ tịch ACV tiết lộ thời điểm hoàn thành siêu dự án Sân bay Long Thành

Nhận định chứng khoán 22/3: VN-Index sẽ sớm lên 1.300 điểm?

Masan (MSN) 'lời to' nhờ khoản đầu tư vào Techcombank (TCB)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ket-luan-xu-ly-kien-nghi-cua-acv-doi-voi-viec-cac-hang-hang-khong-viet-nam-chay-y-cong-no-227321.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kết luận xử lý kiến nghị của ACV đối với việc các hãng hàng không Việt Nam 'chây ỳ' công nợ
    POWERED BY ONECMS & INTECH