Ở diễn biến liên quan, VietBank vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 ngay trước mùa báo cáo tài chính cuối năm.
Cục Thuế TP. HCM vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank (Mã VBB - UPCoM) - Chi nhánh Bắc Sài Gòn do hành vi khai sai dẫn đến thuế số tiền thuế phải nộp.
Theo đó, VBB bị phạt hành chính số tiền gần 16,3 triệu đồng đồng thời bị truy thu hơn 81,4 triệu đồng tiền thuế còn thiếu nộp ngân sách nhà nước.
Tổng số tiền VietBank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn bị xử lý thuế là gần 98 triệu đồng.
Thông tin đáng chú ý, VietBank vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 trong đó điều chỉnh tổng tài sản về 115.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm về 800 tỷ (-27%) so với kế hoạch ban đầu.
Còn nhớ, phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2022 ngày 26/4, Chủ tịch HĐQT VietBank ông Dương Nhất Nguyên từng nhấn mạnh lợi nhuận năm 2022 của VBB sẽ vượt nghìn tỷ; Ngân hàng quyết tâm thay đổi để phát triển và đạt được mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, VietBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng năm 2022 đạt 1.740 tỷ đồng - tăng 26% so với cùng kỳ năm trước trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.335 tỷ - tăng 70% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 536 tỷ - tăng 36% so với cùng kỳ năm trước song mới chỉ thực hiện được gần 50% kế hoạch năm (riêng quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế của VBB đạt hơn 148 tỷ - tăng 117% YoY).
Như vậy, với kế hoạch vừa điều chỉnh, VietBank vẫn còn 264 tỷ đồng lãi trước thuế cần thực hiện trong quý 4/2022.
Tính đến hết ngày 30/9/2022, tổng tài sản nhà băng này tăng 6% so với đầu năm lên hơn 109.207 tỷ đồng trong đó tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 53% xuống còn 2.188 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 14% lên 57.415 tỷ; tiền gửi khách hàng tăng 5% lên hơn 70.137 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chất lượng tín dụng của VietBank đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu tăng 35% so với đầu năm lên 2.486 tỷ đồng. Trong số này, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên mức 1.841 tỷ; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.
Trước đó năm 2021, dư nợ xấu của VBB cũng ghi nhận tăng mạnh 135% lên 1.845 tỷ đồng - chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) - qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,75% lên 3,65%.
TP. HCM sẽ triển khai xác thực sinh trắc học để cấp hóa đơn điện tử
Một loại giao dịch bất động sản sắp được Cục Thuế TP. HCM 'rã băng'