Khánh thành công trình đập chống lũ đầu tiên tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ chuẩn Nhật Bản
Công trình này được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình mẫu cho việc quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Ngày 16/4/2025, tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam đã được khánh thành. Công trình này được xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc.
Đập Sabo là một phần của Dự án Hợp tác kỹ thuật về nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam thực hiện.
> > Trung tâm thương mại Aeon Mall hơn 6.000 tỷ tại tỉnh giàu có bậc nhất Việt Nam đón tin vui

Công trình được khởi công từ tháng 9/2024 và hoàn thành vào tháng 3/2025. Đập có chiều dài 61m, chiều cao 9m (đỉnh vai đập 9m, tràn 6m), chiều rộng đỉnh đập 3m, đáy 6,6m, với 6 khe hở, mỗi khe rộng 2m.
Đập Sabo được thiết kế để thu giữ trầm tích, bùn đá và gỗ trôi, nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra cho khu vực hạ lưu, bao gồm 28 hộ dân, một trường mầm non và một nhà văn hóa ở phía bờ trái hạ lưu đập.
Đây là công trình thí điểm đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản, được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình mẫu để xây dựng các đập Sabo khác tại các khu vực có nguy cơ cao, góp phần quan trọng trong quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc, thường xuyên phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là tình trạng lũ quét, sạt lở đất gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản; đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 2017 trên địa bàn huyện Mường La gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro là một nhiệm vụ cấp bách và luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm.
Công trình đập Sabo phòng, chống lũ bùn, đá tại lưu vực suối Nậm Păm được coi là “mô hình trực quan”, mang tính thí điểm được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Công trình này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ 28 hộ dân, một trường mầm non, một nhà văn hóa ở phía bờ trái hạ lưu đập.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La cũng cho biết, sau khi dự án hoàn thành, sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan tổ chức tiếp nhận tài sản là kết quả của dự án; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí để quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình theo quy định.
> > Nửa tháng nữa, sân bay duy nhất tại Việt Nam chỉ khai thác 1 chặng sẽ được 'lên đời'