Khi nào hết cảnh người giàu tranh mua nhà ở xã hội?
Trong bối cảnh nhà ở xã hội (NƠXH) thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, người thu nhập thấp tại các đô thị ngày càng khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở; thì một lượng lớn sản phẩm NƠXH lại “rơi” vào tay người giàu.
Nhiều bất cập
Đầu tư BĐS phục vụ kinh doanh, chuyển nhượng sang tay kiếm lời là hoạt động hợp pháp được pháp luật Việt Nam cho phép. Tuy nhiên, đầu tư NƠXH với mục đích chuyện nhượng sang tay sinh lời, mặc dù chưa có quy định cụ thể nào cấm việc này, nhưng nó lại đi ngược với các quy định của Đảng, Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội dành cho người thu nhập thấp tại các đô thị và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư và những tiêu chí, điều kiện dành cho đối tượng được thụ hưởng chính sách về NƠXH. Nhưng trên thực tế, việc thực thi những quy định trên vẫn còn nhiều bất cập, tưởng chừng chặt chẽ, nhưng vẫn có thể “lách luật”, dẫn đến việc lượng lớn người giàu tranh suất mua nhà NƠXH với mục đích sang tay kiếm lợi nhuận nhanh, thậm chí hiện nay có rất nhiều người giàu sở hữu NƠXH.
“Tôi thấy một thực trạng đáng buồn là NƠXH - sản phẩm mà Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho người thu nhập thấp tại các đô thị và công nhân, người lao động trong các khu đô thị. Nhưng khi dạo quanh nhiều dự án NƠXH thì thấy chật kín xe ô tô con sở hữu của cư dân, thậm chí tại nhiều dự án NƠXH cư dân còn sở hữu xe ô tô hạng sang. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta đang làm NƠXH để phục vụ nhu cầu của người thu nhập thấp hay phục vụ nhu cầu của người giàu?” – Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho hay.
Theo đánh giá, hiện nay nhu cầu sở hữu nhà của một bộ phận người thu nhập thấp ở các đô thị là rất khó khăn, do thu nhập quá thấp hoặc không ổn định nên không có khả năng chi trả một khoản tiền để mua nhà cho dù có được hưởng những cơ chế ưu đãi. Bên cạnh đó, là do nguồn cung không đáp ứng được với nhu cầu nên đã dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua NƠXH sau đó bán sang tay kiếm lời.
Còn nhớ sự việc xảy ra tại dự án NƠXH NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), sau khi rà soát hồ sơ từ phía chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS và Công ty CP Đầu tư xây dựng số 4, Sở Xây dựng Hà Nội đã phát hiện ra 7 trường hợp đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (sổ đỏ) tại các vị trí khác hoặc nhà đất vượt quá 10m2/người (thậm chí có trường hợp đang sở hữu tấm sổ đỏ vài trăm mét vuông đất) nhưng vẫn tham gia bốc thăm và thông qua may mắn 7 hồ sơ này đã vượt qua vòng sơ loại của chủ đầu tư, tuy nhiên sau đó đã bị Sở Xây dựng hủy quyền mua.
Cần quản lý chặt chẽ
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, sở dĩ có tình trạng người giàu tranh suất mua NƠXH hoặc người giàu là chủ sở hữu căn hộ NƠXH là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách NƠXH tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng thực ra là chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế cuộc sống và nhiều người có thể “lách luật”.
Đơn cử như quy định người mua NƠXH chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở, nơi làm việc nhưng do tính chất công việc, nhiều người phải thay đổi nơi ở, nơi làm việc nhiều lần. Tương tự, quy định về thu nhập chỉ quy định với khoản thu nhập từ tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, trong khi nhiều người có thu nhập cao hơn rất nhiều từ những công việc khác nhưng không kê khai...
“Để tiến tới giải quyết những bất cập trong việc người giàu tranh mua nhà ở xã hội, theo tôi trong thời gian tới cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chỉ cho phép tồn tại 2 loại hình NƠXH, đó là NƠXH cho thuê và NƠXH bán trả góp dài hạn, không nên cho phép tồn tại loại hình NƠXH để bán và cho thuê mua” – ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, để chính sách về NƠXH thực sự mang lại những lợi ích về tính nhân văn mà Đảng, Nhà nước dành cho người có thu nhập thấp thì phải siết chặt những tiêu chí về đối tượng được thụ hưởng chính sách về NƠXH, nếu không sẽ tạo ra những “kẽ hở” để trục lợi chính sách.
“Chúng ta có quy định về điều kiện thu nhập, nhưng phải làm tốt hơn công tác quản lý về thuế thu nhập cá nhân, có quy định về việc tất cả các hoạt động mang lại thu nhập thì các đơn vị chi trả đều phải khai báo thuế, từ đó có thể kiểm soát được những khoản thu nhập nằm ngoài phần lương chính, từ đó sẽ ngăn chặn được những gian lận về thu nhập khi kê khai hồ sơ mua NƠXH” – ông Nguyễn Thế Điệp kiến nghị.
>> 1-2 năm tới, Việt Nam sẽ hoàn thành trên 200.000 căn nhà ở giá rẻ
Hải Phòng xây nhà ở xã hội trên loạt khu ‘đất vàng’
Các bước cần biết theo Nghị định 100 khi mua nhà ở xã hội tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam