Khi sản phẩm bé bằng móng tay trở thành điểm ‘nóng’ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới

17-12-2023 11:35|Hoàng Long

Trong nền kinh tế hiện đại, con chip dù kích thước siêu nhỏ nhưng đóng vai trò huyết mạch như chiếc “chìa khoá” mở ra đột phá công nghệ trong tương lai.

"Nhỏ nhưng có võ"

Con chip là một thành phần quan trọng trong công nghệ và đã thâm nhập vào hầu hết mọi khía cạnh của xã hội hiện đại.

Theo tờ Business Insider (BI), thế giới đang “khát” sản phẩm chip điện tử. Từ những chiếc điện thoại thông minh cho đến tủ lạnh trong nhà bếp, từ hệ thống tên lửa quân sự cho đến những chiếc xe điện đều cần chip điện tử.

Sản phẩm chỉ bé bằng móng tay của ngành chất bán dẫn này xâm nhập vào mọi mặt trong cuộc sống của con người.

Để sản xuất một con chip "bé tí" không hề dễ dàng nhất là những dòng chip mới hiện đại. Các nước cần lượng lớn máy móc đồ sộ, tinh vi, vật liệu quý và vô số những kỹ thuật cấp cao.

Vào năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu chất bán dẫn trị giá 430 tỷ USD, nhiều hơn cả số tiền họ chi cho dầu mỏ.

Vì vậy mà việc sản xuất những con chip điện tử hiện đang được thực hiện bởi một mạng lưới cung ứng toàn cầu và chỉ một số tập đoàn nắm giữ được những ưu thế nhất định. Ví dụ như hãng TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang kiểm soát 90% sản lượng phần cứng của các chip dòng cấp cao.

Hiện tại với diễn biến phức tạp của đại dịch tại Trung Quốc và sự thiếu hụt nguồn cung chip điện tử hiện nay, Mỹ đang có cơ hội để tăng cường chạy đua trong mảng bán dẫn này. Thế nhưng thực tế thì không dễ dàng như vậy.

Cuộc chiến khốc liệt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Vị thế sản xuất chip điện tử của Mỹ đã bị xói mòn qua rất nhiều thập niên. Báo cáo của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cho thấy thị phần sản xuất chip điện tử của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống chỉ còn 12% năm 2020.

Sau đó, chính quyền Washington đã áp đặt một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn cũng như các thiết bị dùng để sản xuất chip bán dẫn vào năm ngoái nhằm ngăn chặn “các công nghệ nhạy cảm với các ứng dụng quân sự” bị các lực lượng vũ trang của Trung Quốc cũng như các cơ quan tình báo và an ninh của nước này mua lại.

Đồng thời, Mỹ dành 52 tỷ USD đầu tư vào ngành sản xuất chip trong nước. Tháng 4/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế giao thương do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.

Những biện pháp trừng phạt này cũng đã làm cạn kiệt nguồn tài năng trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây về nguồn nhân lực của một số công ty chip bán dẫn Trung Quốc cho thấy, họ cần khoảng 800.000 lao động trong lĩnh vực chip bán dẫn từ nước ngoài vào năm 2024.

Sản lượng các công ty cũng ảnh hưởng không nhỏ. Ví dụ năm ngoái, Nvidia - hãng chip có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới - không thể bán hai trong số các loại chip AI hiện đại nhất của hãng cho khách hàng Trung Quốc. Đây là những con chip đã trở thành tiêu chuẩn ngành cho việc phát triển chatbot và các hệ thống AI khác.

Nhưng không lâu sau đó, Nvidia tung ra những biến thể chip khác cho thị trường Trung Quốc, với mức độ tiên tiến thấp hơn do đó tránh được sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Một loại chip như vậy có tên H800 sở hữu năng lực điện toán có thể đáp ứng được công nghệ AI, tương tự như loại chip mạnh hơn H100 của Nvidia - loại chịu sự kiểm soát xuất khẩu. Dù vậy, một số khía cạnh hiệu năng chủ chốt của chip H800 vẫn bị hạn chế, theo tài liệu về thông số kỹ thuật của loại chip này mà Reuters thu thập được.

Để vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ, hai nhà nghiên cứu chất bán dẫn hàng đầu tại Học viện Khoa học Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch chi tiết vào tháng 2 vừa qua, trong đó đã đề xuất với chính phủ Trung Quốc nên đầu tư hiệu quả hơn vào nguồn nhân lực tài năng chất lượng cao cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực bán dẫn.

Hàng chục tỷ USD mà Trung Quốc đã bơm vào cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt 70% khả năng tự cung cấp chip bán dẫn vào năm 2025, nhưng một số chuyên gia tư vấn ước tính nước này hiện chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu.

“Ông lớn” công nghệ Huawei Technologies Co. đã khiến các chính trị gia từ Washington đến Tokyo phải đề cao cảnh giác khi công bố dòng điện thoại thông minh trị giá 900 USD, báo hiệu sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghệ bán dẫn.

Trước tình hình này, chính quyền Washington đã làm mọi cách để cứu vãn nhằm đưa nhà máy sản xuất chip điện tử trở về Mỹ. Vào tháng 8/2022, Nghị viện Mỹ thông qua đạo luật “CHIPS Act”, qua đó chi tới 280 tỷ USD đầu tư nghiên cứu cho mảng chất bán dẫn.

Sự đầu tư ồ ạt từ cấp liên bang cho đến chính quyền từng bang đã khiến nhiều công ty dịch chuyển nhà máy trở lại Mỹ. Ví dụ như Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Mỹ đã chi 20 tỷ USD cho dự án cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới tại bang Ohio. Dự kiến nhà máy này sẽ tuyển dụng ít nhất 3.000 lao động sau khi hoàn thành vào năm 2025.

Intel đã xem xét 38 địa điểm khác nhau trên toàn nước Mỹ trước khi chọn New Albany-Ohio làm nơi đặt nhà máy mới. Ngoài yếu tố có đủ nguồn nước làm mát cho việc sản xuất chip thì nguồn lao động trung lưu dồi dào cũng là một nguyên nhân cho quyết định này.

Sau 1 tuần kể từ khi Intel công bố dự án, bang Ohio tiếp tục công bố gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD, khoản ngân sách trợ giúp lớn nhất trong lịch sử bang này. Gói ngân sách này bao gồm 700 triệu USD mở rộng đường cao tốc và nâng cấp cơ sở hạ tầng, 600 triệu USD đầu tư cho chính dự án của Intel và 650 triệu USD ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

>> CEO Nvidia: "Mỹ cần 20 năm để đạt được sự độc lập về chuỗi cung ứng chip"

>> Nhật Bản tham gia vào cuộc đua sản xuất bán dẫn toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn

Năm 2024 sẽ là năm của chip AI trên PC

Samsung bắt tay ASML xây dựng nhà máy chip nghìn tỷ Won tại Hàn Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khi-san-pham-be-bang-mong-tay-tro-thanh-diem-nong-giua-2-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-214161.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khi sản phẩm bé bằng móng tay trở thành điểm ‘nóng’ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH