Sa mạc lớn thứ hai thế giới ẩn chứa những bí mật không ai ngờ.
Người ta nói rằng, nước ở hoang mạc Ả Rập đắt như dầu, nước ở Tân Cương (Trung Quốc) cũng không ngoại lệ.
Nếu dải đất dài hơn 1.200km của Hành lang Cam Túc là khu vực bán khô hạn thì Tân Cương là khu vực cực kỳ khô cằn. Tân Cương nằm ở trung tâm lục địa Á - Âu, thế nên được chia làm hai vùng địa hình và khí hậu khá rõ nét: Nam Cương với nhiều sa mạc rộng lớn, Bắc Cương với những thảo nguyên xanh ngút ngàn.
Đây cũng là khu vực xa đại dương nhất. Dù là Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương, khu vực này đều cách đến biển hàng nghìn cây số.
Nơi đây có lưu vực Tarim, là lưu vực nội địa lớn nhất Trung Quốc. Lòng chảo Tarim có diện tích 560.000km2, được bao quanh bởi các dãy núi hùng vĩ như Thiên Sơn, Kalakunlun và Côn Lôn, nên có khí hậu sa mạc cực kỳ khô cằn.
Trung tâm của Tarim là sa mạc Taklamakan. Đây là sa mạc lớn nhất Trung Quốc, lớn thứ hai trên thế giới thế nên hạn hán là điều tất yếu. Sa mạc này có diện tích rộng khoảng 337.600km2 cùng với toàn bộ chiều dài từ đông sang tây là 1.000km, chiều rộng từ nam lên bắc là 400km.
Dẫu vậy, lưu vực khô cằn này vẫn được bổ sung nước bởi hệ thống nước từ sông Tarim, con sông nội địa lớn nhất Trung Quốc. Nước chảy về đây tạo nên những ốc đảo độc đáo trên sa mạc hoang vắng. Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là bên dưới một Tarim khô cằn, khắc nghiệt là một vùng đất chứa đầy kho báu. Vậy vùng địa lý kỳ lạ này đang chứa đựng những bí mật gì và Trung Quốc có thể khai thác gì từ nó?
Dầu mỏ - kho báu bên dưới sa mạc
Lưu vực Tarim là lưu vực trầm tích chứa dầu lớn nhất ở Trung Quốc. Phần lớn các mỏ ở đây đều ở độ sâu dưới 6.000 - 8.000m. Theo dự đoán của các chuyên gia, nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào ở khu vực này được chôn sâu 10.000m, tổng tài nguyên dầu khí đã được chứng minh tương đương khoảng 16 tỷ tấn dầu. Đây được xem là khu vực kế thừa chiến lược cho dầu mỏ của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Với hoạt động thăm dò dầu khí ở lưu vực Tarim diễn ra liên tục, sản lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng. Qua đó, đất nước tỷ dân này có thể giải quyết các vấn đề về năng lượng. Sự xuất hiện của nguồn tài nguyên này ở Tân Cương dường như đã tạo bước ngoặt lớn cho Trung Quốc, đóng vai trò rất lớn trong việc biến lợi thế tài nguyên ở miền Tây Trung Quốc thành lợi thế kinh tế, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Tân Cương nói riêng và kinh tế Trung Quốc nói chung.
Vào tháng 6 năm 2021, Tập đoàn Dầu khí và Hóa dầu Nhà nước Trung Quốc, Sinopec phát hiện một khu trữ lượng dầu mới có sức chứa hơn 1 tỷ tấn tại mỏ dầu Tarim, tiếp thêm sức mạnh mới cho nguồn dự trữ năng lượng của Trung Quốc.
Tận dụng lợi thế của công nghệ hiện đại, giữa năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc bắt tay khoan giếng sâu nhất châu Á - sâu hơn 11.100 mét - nhằm tìm kiếm dầu mỏ, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và xuất khẩu của nước này.
Nguồn nước mát lành từ sông Tarim, sông nội địa lớn nhất Trung Quốc
144 nhánh sông, thuộc 9 hệ thống nước lớn của dãy núi Thiên Sơn và Côn Lôn, hội tụ vào sông Tarim. Dòng sông này trải dài 2.575km, chảy theo hướng đông quanh sa mạc Taklamakan và dừng tại Lop Nur. Toàn bộ lưu vực sông Tarim có diện tích 1,02 triệu km2, chiếm 11% diện tích đất liền của Trung Quốc và có ý nghĩa to lớn đối với miền nam Tân Cương.
Sông Tarim thường khô hạn từ tháng 10 tới tháng 4, nước chỉ dâng từ tháng 5 đến tháng 9 do tuyết tan từ các dãy núi Thiên Sơn và Côn Lôn. Khu vực thung lũng sông Tarim là nơi sinh sống của gần 10 triệu người Hán cùng các dân tộc thiểu số khác. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm ở đây rất ít, khoảng 12mm.
Sông Tarim được mô tả như con ngựa hoang thoát khỏi dây cương, luồn lách trong bùn cát, khăng khăng đi theo con đường riêng của mình, lao vào vùng hoang dã và sa mạc một cách liều lĩnh để thấm đẫm những vùng đất khô hạn.
Trong lịch sử nó chảy vào hồ muối Lop Nur ở rìa phía đông Tarim thông qua sông Kongque. Liên tục chảy đến những khoảng cách xa nhất có thể, đây chính là “giới hạn tự nhiên” mà một dòng sông sa mạc có thể chạm tới.
Đi tới đâu, nó cũng nuôi dưỡng đất nông nghiệp, nuôi dưỡng quốc gia và tưới tiêu cho các khu rừng bạch dương Populus euphratica. Rừng Populus euphratica tự nhiên bao phủ lưu vực Tarim với trữ lượng gỗ lên tới hơn 1,5 triệu km2.
“Thế giới ngầm” không ai ngờ tới
Phần lớn lưu vực Tarim là sa mạc, thế giới của cát, những cồn cát nhấp nhô và trải dài tưởng như kéo dài đến tận cùng thế giới. Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ rằng bên dưới nó thực sự có một “đại dương” mặn (nước mặn ngầm).
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Sinh thái và Địa lý Tân Cương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc khẳng định, “đại dương” mặn này giống như một đại dương thực sự, có thể chứa lượng nước gấp 10 lần lượng nước của Ngũ Đại Hồ (Bắc Mỹ) cộng lại. Được biết, Ngũ Đại Hồ gồm 5 hồ nước lớn, có trữ lượng gần 23.000 km2, chiếm 20% dung tích nước ngọt trên thế giới.
"Chưa bao giờ người ta dám tưởng tượng có nhiều nước như vậy dưới cát. Định nghĩa của chúng ta về sa mạc có thể phải thay đổi", Giáo sư Li Yan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng cho biết thêm, đại dương khổng lồ sâu hàng nghìn mét bên dưới lưu vực Tarim hoạt động như một bể chứa các-bon lớn. Lượng các-bon trong các "đại dương ngầm" này đạt đến một nghìn tỷ tấn, tương đương lượng "các-bon thất thoát" toàn hành tinh. Qua đó, các “đầm lầy các-bon” này có thể ngăn biến đổi khí hậu, bảo vệ chúng ta khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Vựa trái cây lớn
Tân Cương được mệnh danh là “quê hương của trái cây và dưa lưới”, còn lưu vực Tarim là “đĩa trái cây lớn" chứa trái cây chất lượng cao.
Tân Cương cung cấp cho cây trồng hai nguồn sống quan trọng đó là ánh sáng và nước ngọt: Ban ngày có đủ ánh nắng và lượng nhiệt dồi dào, hiệu suất quang hợp của thực vật rất cao. Điều này kết hợp với dòng nước mát lành từ lưu vực sông Tarim và các ốc đảo (lấy nước từ tuyết tan trên núi) thế nên cây trồng nơi đây phát triển rất năng suất.
Ngày nay, có hơn 10 triệu mẫu vườn cây ăn trái chất lượng cao, các loại trái cây đặc sản không chỉ làm tăng thu nhập kinh tế của người dân địa phương mà còn giúp làm thay đổi khí hậu của vùng ốc đảo thuộc lưu vực sông Tarim. Tháng 9 hàng năm là thời điểm các loại dưa, trái cây chín rộ ở khu vực này.
Bên cạnh đó, đây cũng là vùng sản xuất bông nội địa lâu đời nhất Trung Quốc. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm tại đây có lợi cho việc tích lũy chất dinh dưỡng cho cây trồng nên Tân Cương là vùng trồng bông chất lượng cao, mang lại năng suất ổn định cho Trung Quốc.
>> Trung Quốc ‘bật đèn xanh’ cho lĩnh vực kinh tế mới nổi 70 tỷ USD