Trung Quốc sẽ có cách tiếp cận “mở cửa” hơn đối với hoạt động của máy bay không người lái và các phương tiện bay khác, nhằm thúc đẩy “nền kinh tế quỹ đạo thấp”.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho các hoạt động bay ở quỹ đạo thấp, bao gồm phê duyệt kế hoạch, quản lý không lưu, dịch vụ khí tượng, liên lạc và giám sát”, Sun Wensheng, phó giám đốc bộ phận tổng hợp của Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết.
Cũng theo cơ quan này, hệ thống chứng nhận đủ điều kiện bay cho các máy bay không người lái cũng sẽ được cải thiện để thúc đẩy chính sách quản lý và phát triển nền kinh tế quỹ đạo thấp.
Nền kinh tế quỹ đạo thấp được Bắc Kinh xếp vào danh sách lĩnh vực chiến lược mới nổi tại hội nghị công tác kinh tế trung ương hồi tháng 12 năm ngoái. Thuật ngữ bao gồm hàng loạt ngành công nghiệp liên quan phương tiện có người lái và không người lái hoạt động ở độ cao dưới 1.000 mét.
Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp và CNTT (MIIT) nước này công bố, quy mô lĩnh vực phương tiện bay quỹ đạo thấp đã tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 70 tỷ USD và dự kiến vượt 140 tỷ USD vào năm 2026.
Trong hướng dẫn dài 9 trang dành cho ngành hàng không nói chung, MIIT và các cơ quan khác đặt mục tiêu cung ứng và đổi mới trang thiết bị hàng không vào năm 2027 đảm bảo ứng dụng thương mại cho các lĩnh vực như vận tải hàng không đô thị, hậu cần và cứu hộ khẩn cấp.
“Đến năm 2030, một mô hình phát triển mới cho ngành hàng không chung, đặc trưng bởi tính năng cao cấp, xanh và thông minh sẽ được thiết lập”, trích hướng dẫn mà MIIT ban hành. “Các thiết bị hàng không tổng hợp sẽ được tích hợp đầy đủ vào sản xuất và đời sống, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế”.
Mở rộng phạm vi ứng dụng
Các sản phẩm hiện tại trong lĩnh vực từ khí cầu có người lái đến máy bay cất cánh/hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) đã mở rộng phạm vi tiếp cận số đông.
Theo báo cáo của MIIT, quy mô ngành công nghiệp eVTOL của Trung Quốc đạt 980 triệu NDT vào năm 2023, tăng 77,3% so với cùng kỳ. Lĩnh vực này được dự báo sẽ đạt 9,5 tỷ NDT vào năm 2026.
Trong khi đó, máy bay không người lái dân dụng ghi nhận thị phần tăng 32%, lên 117,4 tỷ NDT trong năm ngoái, với việc máy bay không người lái công nghiệp chiếm 76,68 tỷ NDT. Các phương tiện bay đa năng đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm hỗ trợ khẩn cấp, kiểm tra mạng lưới điện và bảo vệ nông lâm nghiệp.
EVT Aerotechnics, một nhà phát triển eVTOL có trụ sở tại Nam Kinh cho biết, sản phẩm do công ty tự phát triển đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên, có có thể được huy động để phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm vận tải hàng hóa tần suất cao, du lịch, cứu hộ khẩn cấp và du lịch hàng không đô thị.
Tập đoàn quốc doanh Công nghiệp Hàng không Trung Quốc cũng hoàn thành chuyến bay bàn giao đầu tiên vào tuần trước và dự kiến khai thác du lịch vào cuối năm nay.