Khó khăn bủa vây thị trường đào Tết: Giá tăng, khách thưa, người bán thấp thỏm chờ mong
Giá đào Tết tăng nhẹ do bão, nhưng sức mua giảm khiến tiểu thương lo lắng trong những ngày cận Tết.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán, trên khắp các tuyến phố của Hà Nội như Nguyễn Chánh, Dương Đình Nghệ hay Láng, các điểm bán đào, quất đã bắt đầu hoạt động sôi nổi. Thế nhưng, trái ngược với hình ảnh đông đúc và rộn ràng mọi năm, không khí mua sắm năm nay lại khá trầm lắng, khiến nhiều người bán không khỏi sốt ruột.
Cành đào rừng Mù Cang Chải có kích thước lớn, dáng xòe rộng được chào bán với giá từ 3,5 triệu đến 6 triệu đồng/cành. Ảnh minh hoạ |
Cơn bão Yagi, đổ bộ vào tháng 9/2024, đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều vườn đào tại Nhật Tân và các vùng lân cận. Nhiều cây bị ngập úng, hư hại, dẫn đến nguy cơ khan hiếm đào vào dịp Tết năm nay. Tuy nhiên, các nhà vườn và tiểu thương khẳng định rằng, dù nguồn cung có bị ảnh hưởng, thị trường vẫn đáp ứng đủ nhu cầu với mức giá nhỉnh hơn so với mọi năm.
Khảo sát tại các tuyến phố tập trung nhiều điểm bán đào, quất như đường Tố Hữu (quận Hà Đông) cho thấy, giá cả tăng nhẹ. Đào Nhật Tân loại nhỏ, nhiều nụ có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/cành. Các loại đào huyền lớn hơn có giá dao động từ 600.000 đến 2 triệu đồng/cành, tùy kích thước và dáng thế. Trong khi đó, những cành đào rừng Mù Cang Chải có kích thước lớn, dáng xòe rộng được chào bán với giá từ 3,5 triệu đến 6 triệu đồng/cành.
Tại các điểm bán trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), giá còn cao hơn. Một số cây đào cổ thụ có hoa nở rộ được chào thuê hoặc bán với mức giá lên đến vài chục triệu đồng. Những cành nhỏ, phù hợp trang trí gia đình, có giá từ 150.000 đến 400.000 đồng.
Đào nở đẹp khoe sắc đón Tết sang. Ảnh minh hoạ |
Anh Hùng, một người trồng đào tại Nhật Tân, chia sẻ: "Vườn đào của tôi năm nay bị thiệt hại khoảng 20% do ảnh hưởng của bão Yagi. Dù giá bán có tăng nhẹ để bù đắp chi phí chăm sóc, lượng khách đến mua vẫn rất thưa thớt. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng".
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt, nhiều nhà vườn đã chủ động nhập hàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, nơi thời tiết thuận lợi hơn. Nhờ đó, thị trường vẫn có đầy đủ các loại đào, từ giá bình dân đến cao cấp, phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân.
Dù nguồn hàng dồi dào, song không khí mua sắm trên các tuyến phố lại không được nhộn nhịp như kỳ vọng. Theo ghi nhận vào ngày 17/1 (tức 18 tháng Chạp), tại các điểm bán đào, quất trên đường Nguyễn Chánh, Dương Đình Nghệ và Láng, lượng người mua giảm đáng kể so với mọi năm. Phần lớn khách ghé qua chỉ để tham quan hoặc chụp ảnh, thay vì mua sắm.
Những gốc đào cổ thụ có đủ kích cỡ, hình dáng, tuổi thọ... có giá bán từ 20 - 70 triệu đồng. Ảnh minh hoạ |
Ông Nam, một cư dân ở quận Nam Từ Liêm cho biết: "Nhà tôi năm nào cũng mua đào để chơi Tết, nhưng năm nay giá cả có phần cao hơn. Tôi đang tranh thủ đi khảo giá ở một số điểm bán để tìm cành phù hợp. Có lẽ vài ngày tới mới quyết định mua".
Ngược lại, anh Phú ở quận Hà Đông đã tranh thủ mua đào từ sớm. "Năm nay giá cả tăng nhưng mẫu mã lại rất đa dạng, giúp tôi dễ dàng chọn được một cành đào nhỏ vừa ý và một chậu quất mini để trang trí nhà cửa. Gia đình tôi thường mua sắm trước Rằm tháng Chạp để có không khí Tết sớm trong nhà", anh chia sẻ.
Các tiểu thương cho biết, tình hình kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Nhiều khách hàng có xu hướng thuê những cành đào lớn thay vì mua để tiết kiệm chi phí. Với những cành nhỏ, người mua vẫn lưỡng lự, chờ đến sát Tết mới quyết định nhằm hưởng mức giá hợp lý hơn và đảm bảo cây giữ được độ tươi.
Chị Lan, một tiểu thương tại quận Nam Từ Liêm, bộc bạch: "Những ngày này, chúng tôi luôn trong tâm trạng thấp thỏm. Khách đến xem thì nhiều, nhưng mua rất ít. Nhiều người chờ sát Tết mới mua để tiết kiệm và đảm bảo cây không bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường. Điều này khiến người bán như tôi rất áp lực".
Phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam
Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam nhưng tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia 'lớn' nhất cả nước