Khó tin trang trại điện mặt trời nằm trên bãi rác 5 triệu tấn, chẳng hề bốc mùi mà còn sản xuất đủ điện cho gần 20.000 hộ dân
Trang trại điện này có địa điểm nằm trên một đống rác 5 triệu tấn, có nguy cơ thải ra khí metan nếu lớp chắn bị hỏng.
Trên một khu đất rộng 28ha phía sau thị trấn đông đúc ở phía đông London, 108.000 tấm pin mặt trời vừa mới được lắp đặt. Điện từ hệ thống này sẽ sớm được đưa vào lưới điện truyền tải đến thủ đô của Vương quốc Anh.
Với khu đất rộng hơn 28ha này, thông thường sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên thửa đất này lại cách trung tâm London nửa giờ đi tàu, đã cằn cỗi trong 25 năm qua mà không có ai để ý tới. Không những vậy, địa điểm này còn nằm trên đỉnh một đống rác nặng 5 triệu tấn có nguy cơ phun ra khí mê-tan độc hại nếu lớp niêm phong của nó bị hỏng. Matthew Popkin, người làm việc trong một dự án khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Viện Rocky Mountain, Colorado, cho biết: “Bạn không thể làm được gì nhiều với một bãi chôn lấp đã đóng cửa, không có quá nhiều sựa lựa chọn tái sử dụng cho nó".
Dự án trang trại điện nằm trên đống rác này có công suất tạo ra 58,8 megawatt điện, đủ cung cấp điện cho khoảng 17.000 ngôi nhà, đẩy Vương quốc Anh tiến gần hơn đến mục tiêu tăng công suất năng lượng mặt trời lên gần gấp 5 lần vào năm 2035. Nhưng việc hoàn thành dự án không hề dễ dàng. Mặc dù lắp đặt năng lượng mặt trời trên các đống rác có thể là một giải pháp hợp lý cho vấn đề không gian, nhưng nó đặt ra những thách thức kỹ thuật đã đẩy giá dự án lên cao hơn rất nhiều so với dự kiến.
Các tấm pin này sẽ phải được cố định theo từng đợt vào các đế dằn làm bằng bê tông để ngăn nền móng, thường sẽ phải đào sâu tới 3m xuống đất, xuyên qua lớp bịt kín của bãi chôn lấp. Một số phải được lắp đặt các chân có thể điều chỉnh được đề phòng trường hợp mặt đất dịch chuyển theo thời gian do rác bên dưới phân hủy.
Theo Eamonn Medley, giám đốc phát triển kinh doanh tại NTR Plc, giám đốc đầu tư năng lượng tái tạo đằng sau Dự án, Dự án này có giá khoảng 850.000 bảng Anh (1,1 triệu USD) cho mỗi megawatt điện mà nó sẽ tạo ra, cao hơn khoảng 5% so với một trang trại năng lượng mặt trời được lắp đặt trên đất bình thường. Các dự án tương tự đã được thực hiện ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ và miền nam Brazil, và đôi khi chi phí có thể cao hơn tới 15%, tùy thuộc vào tình trạng bãi chôn lấp, giá cước vận chuyển và vật liệu.
Giống nhiều dự án năng lượng tái tạo khác, lạm phát cũng đặt ra những thách thức lớn. Nhưng hiện tại, theo dữ liệu của BloombergNEF, chi phí nguyên vật liệu đã giảm dần nhờ nguồn cung từ Trung Quốc tăng lên, khiến giá giao ngay giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tại Anh, nhiều dự án năng lượng tái tạo mới, đặc biệt là các dự án ở những địa điểm xa xôi, cũng gặp hạn chế do khó kết nối vào lưới điện. Một số dự án phải chờ hàng thập kỷ mới có thể kết nối.
Ở Việt Nam có thể kể đến dự án điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới với công suất 420 MWp được xây dựng tại Hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Dự án do Công ty TNHH Xuân Cầu và Công ty TNHH B.Grimm Power Public hợp tác đầu tư với tổng chi phí khoảng 9.100 tỷ đồng. Dự án đã chính thức khánh thành vào ngày 7/9/2019 và có thể cung cấp khoảng 688 triệu kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Việt Nam - Cộng hòa Dominica quyết triển khai các dự án lớn mang tính biểu tượng
FPT thu 50.800 tỷ đồng, trúng thầu 37 dự án lớn trên toàn cầu sau 10 tháng