Khoan giếng ‘chọc thủng Trái Đất’ ở độ sâu vượt 11.000m, xuyên 13 tầng địa chất có niên đại 500 năm: Trung Quốc xác lập kỷ lục ‘hố trời’ sâu nhất châu Á
Hố khoan “siêu” sâu này đã đánh dấu bước đột phá kỷ lục trong hành trình khám phá lòng đất của Trung Quốc.
Dự án mang tên "Shenditake 1", nằm giữa sa mạc Taklimakan thuộc bồn địa Tarim, được thiết kế với mục tiêu đạt độ sâu 11.100m. Đây là lỗ khoan thăm dò khoa học đầu tiên tại Trung Quốc có độ sâu thiết kế vượt qua cột mốc 10.000m.
Kể từ khi khởi công vào ngày 30/5/2023, lỗ khoan đã xuyên qua 13 tầng địa chất lục địa, tiêu thụ hơn 1.000 ống khoan và làm mòn 20 mũi khoan trong quá trình chinh phục độ sâu.
Theo ông Vương Xuân Sinh, chuyên gia trưởng của mỏ dầu Tarim thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), đây là lần đầu tiên quốc gia này khoan một lỗ thẳng đứng đạt độ sâu vượt 10.000m - một thành tựu mang tính lịch sử.
Bồn địa Tarim, nằm giữa dãy núi Thiên Sơn và Côn Lôn, nổi tiếng với điều kiện môi trường khắc nghiệt và địa chất phức tạp. Điều này biến khu vực trở thành một trong những địa điểm khó thăm dò nhất trên thế giới.
Khi vượt qua mốc 10.000m, dự án phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, như nhiệt độ vượt 200°C và áp suất hơn 130MPa - khiến mỗi mét khoan tiếp theo trở nên khó khăn gấp bội.
Không chỉ đối mặt với áp lực dưới lòng đất, dự án còn phải vượt qua những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt tại bồn địa Tarim, nơi có khí hậu khô nóng đặc trưng và địa chất phức tạp. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với các kỹ sư và nhà khoa học tham gia dự án.
Giếng khoan thẳng đứng sâu nhất thế giới là lỗ khoan Kola Superdeep ở Nga, đạt độ sâu 12.262m. Tuy nhiên, "Shenditake 1" đã chính thức trở thành giếng khoan sâu thứ hai trên thế giới và sâu nhất tại châu Á, theo ông Giả Thành Tạo, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Mũi khoan đang tiếp tục chinh phục lớp đá có niên đại khoảng 500 triệu năm. Trong quá trình này, các nhà địa chất đã thu thập mẫu đá từ nhiều độ sâu và địa tầng khác nhau để phục vụ nghiên cứu, mở ra cánh cửa khám phá sâu hơn về lịch sử Trái đất.
Ông Zhao Wenzhi, chuyên gia tại Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, cho rằng kiến thức hiện nay về sự hình thành các nguồn dầu khí ở độ sâu 10.000m phần lớn vẫn dựa trên các giả thuyết. Ông nhấn mạnh rằng, dự án có tiềm năng xác nhận hoặc điều chỉnh một số giả thuyết hiện có, đồng thời có thể thay đổi hoàn toàn những giả thuyết khác dựa trên dữ liệu mới thu thập được.
Giếng khoan thăm dò sâu được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội quý giá để các nhà khoa học nghiên cứu cấu trúc bên trong và sự tiến hóa của Trái đất. Đồng thời, cung cấp những dữ liệu quan trọng hỗ trợ cho các nghiên cứu địa chất chuyên sâu.