Khoan xuyên qua lòng đất, giàn khoan và cả một phần hòn đảo bị hố sụt ‘nuốt chửng’
Một mũi khoan tưởng chừng vô hại đã gây ra thảm họa bất ngờ tại hồ Peigneur, khi giàn khoan và cả một phần hòn đảo bị hố sụt ‘nuốt chửng’.
Vào năm 1980, một thảm họa bất ngờ đã xảy ra tại hồ Peigneur ở bang Louisiana, Mỹ, khiến hồ này gần như biến mất chỉ vì một sai lầm trong quá trình khoan dầu. Sự cố bắt đầu khi một nhóm kỹ sư vận hành giàn khoan, được thuê bởi công ty Texaco, vô tình khoan xuyên qua lòng đất và chạm tới khu mỏ muối của công ty Diamond Crystal Salt, nằm ngay bên dưới hồ.
Lỗ khoan này đã tạo ra một con đường cho nước hồ Peigneur, lúc đó chỉ sâu khoảng 3m, chảy vào khu mỏ muối. Khi nước tiếp xúc với muối, nó nhanh chóng hòa tan, tạo ra một hố sụt khổng lồ. Trong vòng chưa đầy hai giờ, giàn khoan cùng với một số sà lan, cây cối, và phần lớn một hòn đảo gần đó đã bị cuốn vào xoáy nước hình thành từ hố sụt.
Xoáy nước này không chỉ cuốn trôi mọi thứ trên bề mặt mà còn tạo ra một hiện tượng địa chất đáng kinh ngạc. Nước từ vịnh Vermilion đã đảo ngược dòng chảy qua kênh đào Delcambre, đổ vào hồ Peigneur, tạo ra một thác nước cao tới 50m- thác nước tạm thời lớn nhất từng được ghi nhận ở bang Louisiana. Quá trình này tiếp tục cho đến khi hố sụt mới hình thành được lấp đầy.
May mắn thay, tất cả công nhân của cả hai công ty đều kịp thời sơ tán, không có bất kỳ thương vong nào xảy ra. Tuy nhiên, hậu quả của sự cố này đã khiến hồ Peigneur, từ một hồ nước nông, trở thành hồ nước sâu nhất bang Louisiana với độ sâu tối đa lên tới 61m.
Sau thảm họa, công ty Texaco và nhà thầu Wilson Brothers đã phải trả 32 triệu USD để bồi thường cho công ty Diamond Crystal Salt vì những tổn thất tại khu mỏ. Sự việc này không chỉ là một trong những thảm họa kỹ thuật kỳ quặc nhất, mà còn là một lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của sự chính xác trong các phép tính toán học và kỹ thuật, vì chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước.
*Theo IFL Science