Quan sát 2 phiên giao dịch đầu tháng 11/2022, các động thái mua vào cổ phiếu HPG (Hòa Phát) của nhà đầu tư đã diễn ra khá sôi động.
Phiên giao dịch ngày 2/11 khép với với mức giảm hơn 10,5 điểm của VN-Index cũng như sắc đỏ nhẹ của 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index.
Cổ phiếu ngân hàng mất vai trò là lực đỡ trong phiên hôm nay với việc giảm 1,17%. Đồng pha, các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, thủy sản cũng đều giảm điểm.
Trên toàn thị trường có gần 500 mã giảm, 352 mã tăng và 212 mã đứng giá. Tại nhóm VN30, những công thần của 2 phiên tăng điểm đầu tuần phần lớn đã đỏ giá với 22 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu.
Cổ phiếu MSN bị bán cận sàn với mức giảm 6,4% và lấy đi của VN-Index 1,84 điểm; các mã như FPT, GVR, VNM, SSI, ACB, MWG giảm từ 2 - 4,2%.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh còn hiện hữu ở 5 bluechips với PLX, KDH tăng yếu dưới 1%; VPB và VIB tăng lần lượt 1,7% và 2,7%.
Đáng nói, cổ phiếu HPG chính thức ngắt chuỗi 3 phiên lao dốc mạnh với việc tăng trở lại 2,3% lên mức 15.350 đồng thị giá. Thanh khoản phiên này cũng giảm 50% so với phiên kỷ lục trước đó còn 40 triệu cổ phiếu. Mặc dù vậy, khối ngoại vẫn để lại dấu ấn không nhỏ trong phiên hồi của cổ phiếu "anh cả" ngành thép này.
Cụ thể, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 11,7 triệu cổ phiếu HPG tương ứng giá trị bán ròng ở mức 180 tỷ đồng (2 phiên trước đó bán ròng lần lượt 20 triệu và 35 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp của dòng tiền ngoại tại cổ phiếu Hòa Phát kể từ ngày 18/10.
Diễn biến bán ròng của khối ngoại:
Tính chung sau 3 phiên, khối ngoại đã bán ròng gần 67 triệu cổ phiếu HPG - giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Rộng ra, với chuỗi 12 phiên bán ròng liên tiếp, nhóm này đã rút gần 2.000 tỷ đồng khỏi cổ phiếu này.
Tháng 10/2022 vừa qua, cổ phiếu HPG đã bị bán ròng 1.700 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã xả bán gần 7.000 tỷ đồng cổ phiếu HPG qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về dưới mức 20%.
Quan sát 2 phiên đầu tháng 11/2022, các động thái mua vào (bắt đáy) của nhà đầu tư với cổ phiếu HPG bắt đầu diễn ra mạnh mẽ xét trên phương diện số lệnh đặt mua/bán và chênh lệch tổng khối lượng cổ phiếu đặt mua/bán (xem chi tiết bảng dưới).
Xem thêm bài viết: Gần 59.000 tỷ đồng vốn hóa "rời tay" gia đình Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long
Kỳ vọng lãi trở lại trong quý 4
Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 mới đây, Hòa Phát ghi nhận doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ còn 34.441 tỷ đồng; lỗ ròng 1.786 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi lớn.
Lũy kế 9 tháng, HPG đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu thuần và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.
Trong báo cáo công bố mới nhất, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát xuống 12.200 tỷ đồng - giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021.
Như vậy, theo ước tính của khối phân tích Chứng khoán SSI, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỷ đồng - giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021 song điều quan trọng là doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ có lãi trở lại.
(*) Số liệu quý 4/2022 là LNST dự phóng của SSI Research
Trước đó, tại báo cáo trước mùa công bố kết quả kinh doanh, SSI Research từng dự phóng lãi quý 3/2022 của Hòa Phát có thể đạt 2.100 tỷ đồng song thực tế doanh nghiệp đầu ngành thép bất ngờ báo lỗ lần đầu kể từ quý 4/2018. Sự kết hợp của nhiều yếu tố tiêu cực bao gồm giá thép giảm, hàng tồn kho giá cao và ảnh hưởng của lỗ tỷ giá là nguyên nhân chính khiến Hòa Phát lỗ trong quý 3.
Đánh giá về triển vọng của Tập đoàn Hòa Phát cũng như ngành thép, SSI Research cho rằng nhu cầu chậm lại là mối lo ngại chính.
Cụ thể, tổng nhu cầu thép trên toàn cầu vẫn yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu của Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm 4% - thấp hơn so với dự báo đi ngang vào tháng 4 năm 2022 do thị trường bất động sản lao dốc trong bối cảnh giãn cách xã hội vì COVID-19.
Năm 2023, WSA kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ không thay đổi nhưng lưu ý rủi ro giảm đáng kể trong trường hợp không có các biện pháp kích thích mới và không có chính sách nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Toàn bộ nhu cầu thép toàn cầu dự kiến chỉ phục hồi 1% vào năm 2023 sau khi giảm khoảng 2,3% vào năm 2022. Điều này sẽ tạo thêm áp lực lên giá thép trong khu vực và Việt Nam, tạo ra thách thức cho Hòa Phát trong việc xuất khẩu phôi sang thị trường này trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng là vấn đề đáng lo ngại do thị trường bất động sản chững lại trong thời gian tới. Cụ thể, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn do lãi suất tăng và việc thắt chặt tín dụng từ ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu qua đó ảnh hưởng đến khả năng tài chính của cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Mặc dù hoạt động đầu tư công và giải ngân vốn FDI sẽ được tăng tốc trong giai đoạn 2022 - 2023 tuy nhiên SSI Research cho rằng tổng nhu cầu thép trong nước vẫn có thể chịu mức tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Do nhu cầu thị trường yếu hơn, Hòa Phát có thể cân nhắc tạm thời đóng một phần công suất lò cao trong thời gian ngắn hạn.
SSI Research dự báo giá thép có thể chưa chạm đáy nhưng tốc độ giảm có thể chậm lại do sự ổn định của giá thép trong khu vực do Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ đầu tư bất động sản và tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước đã giảm xuống mức tối thiểu dẫn đến sản lượng sản xuất giảm.
Giá thép xây dựng trung bình trong quý 3/2022 ước tính đã giảm 13% theo quý và 6% theo năm; giá bán HRC của Hòa Phát cũng đã giảm khoảng 25% theo quý và 30% theo năm. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào đã giảm khoảng 20~30% theo quý nhưng công ty bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho giá cao, đặc biệt khi giá than cốc - nguyên liệu chiếm khoảng 40% giá thành sản xuất thép - đã tăng gấp 3 lần.
Năm 2023, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của Hòa Phát dự kiến sẽ nhích nhẹ 3,3% so với năm 2022, đạt mức 12.600 tỷ đồng. Trong khi tác động của hàng tồn kho chi phí cao có thể giảm dần trong thời gian tới, giá thép giảm cùng với nhu cầu suy yếu có khả năng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023.
Xem thêm bài viết: Thị giá cổ phiếu HPG đã về đến "Hải Phòng"...
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?