Thị giá về đến "Hải Phòng", 45 triệu cổ phiếu HPG bị bán sàn phiên 31/10

31-10-2022 15:29|Minh Anh

Mặc dù đã bị bán sàn tới hơn 45 triệu đơn vị song đến cuối phiên, cổ phiếu HPG vẫn còn dư bán sàn tới 1,8 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy bên nắm giữ vẫn đang khá bất an trong việc "giữ hàng".

Những tưởng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (sàn HOSE) đã tạo xong đáy dài hạn trong tuần trước nhưng không! Mã tiếp tục lao dốc mạnh trở lại trong phiên cuối tháng 10/2022.

Khởi phiên 31/10, cổ phiếu HPG bị bán sàn tới hơn 7 triệu đơn vị về mức 15.650 đồng. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu này hồi lên mức 16.000 đồng thị giá xong áp lực bán mạnh từ các nhóm đầu tư (đặc biệt là khối ngoại) đã cầm chân cổ phiếu này tại mức sàn đến khi đóng cửa.

Đáng nói, đây cũng là mã VN30 duy nhất giảm sàn trong ngày thị trường lửng lơ vùng tham chiếu. Trước đó trong phiên, cổ phiếu NVL cũng đã bị bán sàn trước khi thu hẹp đà giảm còn 3,4%.

Với phiên giảm hôm nay, cổ phiếu HPG trở thành mã tiêu cực nhất trên thị trường và lấy đi của VN-Index 1,55 điểm. Thị giá của cổ phiếu đầu ngành thép này cũng rơi về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2020 - tương ứng mức thấp nhất 2 năm. 

Vốn hóa có nguy cơ giảm về dưới 90.000 tỷ

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu HPG ghi nhận mức giảm 55% từ mức 35.120 đồng (giá sau điều chỉnh) song nếu tính từ mức đỉnh lịch sử phiên 28/10/2021, cổ phiếu này đã mất tới 28.250 đồng/cổ phiếu - tương ứng giảm gần 65% giá trị. Vốn hóa bốc hơi hơn 164.200 tỷ đồng từ đỉnh và hiện chỉ còn 91.000 tỷ. 

Một điểm đáng chú ý nữa là thanh khoản cổ phiếu HPG phiên này tăng mạnh lên mức 66,3 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ phiên 3/3/2022 (đạt 72,2 triệu cổ phiếu).

Thanh khoản phiên này chủ yếu tập trung tại mức giá sàn với 45,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong đó nhà đầu tư mua sàn chủ động hơn 23,1 triệu cổ phiếu, bán sàn chủ động hơn 14,7 triệu cổ phiếu và bán sàn ATO hơn 7 triệu cổ phiếu.

Tổng số lệnh đặt mua/bán cổ phiếu HPG phiên này vượt 30.000 lệnh... và xu hướng mua vào (bắt đáy) đang chiếm ưu thế với hơn 52,3%.

Mặc dù đã bị bán sàn tới hơn 45 triệu đơn vị song đến cuối phiên, cổ phiếu HPG vẫn ghi nhận tình trạng dư bán sàn tới 1,8 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy bên nắm giữ vẫn đang khá bất an trong việc "giữ hàng".

Điểm nhấn đang chú ý nhất phiên hôm nay đến từ động thái quyết liệt của khối ngoại khi nhóm này mạnh tay xả bán tới hơn 20 triệu cổ phiếu HPG với giá trị bán ròng ở mức 316 tỷ đồng. Phiên trước đó, nhóm này cũng bán ròng tới 8,1 triệu cổ phiếu HPG.

Các động thái không vui liên tiếp đến với cổ phiếu này kể từ sau khi tập đoàn công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 "thê thảm" trong đó tính riêng quý 3/2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ còn 34.441 tỷ đồng; lỗ ròng 1.786 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi lớn.

Theo lý giải của HPG, kết quả kém lạc quan là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Lũy kế 9 tháng, HPG đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu thuần (trong ĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu) và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.

Trên bảng cân đối kế toán đến ngày 30/9/2022, Hòa Phát hiện đang ghi nhận tổng tài sản ở mức gần 184.000 tỷ đồng. Đáng nói trong số này, các khoản tiền mặt - tương đương tiền và khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến này đáo hạn đạt 38.900 tỷ đồng (đem về cho tập đoàn hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu tài chính).

Trong khi đó, giá trị tồn kho dù giảm mạnh 13.000 tỷ đồng so với mức đỉnh hơn 58.000 tỷ hồi quý 2/2022 song vẫn còn ở mức cao. Đáng nói, áp, lực tồn kho và chi phí đầu vào tăng mạnh phiên Hòa Phát phải tăng khủng trích lập dự phòng giảm giá từ mức 235 tỷ đồng trong quý 3 năm ngoái lên 900 tỷ đồng trong quý này.

ton-kho-va-trich-lap-du-phong-cua-hoa-phat-hpg-cac-quy-gan-day-dvt_-ty-dong-.png

Bên cạnh áp lực từ tồn kho khổng lồ, HPG cũng đang chịu áp lực từ các khoản nợ khi đến cuối quý 3, nợ phải trả của tập đoàn vẫn ở mức cao với hơn 85.700 tỷ đồng trong đó có tới 65.500 tỷ đồng là vay nợ tài chính. Chỉ tính riêng 3 quý năm nay, ông lớn đầu ngành thép này đã phải chịu khoản chi phí lãi vay 2.150 tỷ đồng trên tổng số 5.442 tỷ chi phí tài chính (gấp tới hơn 2,1 lần cùng kỳ).

Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang chịu áp lực lớn từ các khoản vay ngoại tệ (dù không có thuyết minh cụ thể tại báo cáo mới này) trong đó chỉ tính riêng quý 3, tập đoàn đã lỗ tỷ giá tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Giá thép giảm trở lại trong hơn 1 tháng trở lại đây

Hồi phục sau chuỗi 13 kỳ điều chỉnh kể từ tháng 8/2022, hơn 1 tháng trở lại đây, giá bán thép của các thương hiệu trên thị trường trong nước đã giảm trở lại; lần lượt thép Hòa Phát, thép Việt Ý, thép Việt Đức, thép Kyoei, thép Việt Nhật, thép Pomina đã đồng loạt điều chỉnh và hiện chỉ tương đương giai đoạn cuối năm 2020.

thep.jpg

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp như hiện nay trong nửa cuối năm do nhu cầu chưa hồi phục. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu và giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra tương tự vì chịu áp lực giảm giá theo giá thị trường thế giới. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý 2 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho.

Cùng với khoản lỗ của Hòa Phát, quý 3/2022, các doanh nghiệp ngành thép cũng đồng loạt báo lỗ năng trong đó Hoa Sen lỗ ròng gần 900 tỷ, Nam Kim lỗ 419 tỷ, SMC lỗ 220 tỷ, Tisco lỗ 25 tỷ, Thép Thủ Đức và Vicasa lỗ gần 22 tỷ, Thép HMC lỗ 12 tỷ đồng,... 

Chỉ tính riêng 6 ông lớn ngành thép trong quý này, tổng mức lỗ ròng được ghi nhận đã lên tới 4.500 tỷ. Ước tính, tổng lợi nhuận quý 3/2022 của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán có thể âm đến 4.700 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Theo đó, nếu so với mức đỉnh lịch sử hồi quý 2/2021, lợi nhuận toàn ngành thép ước giảm gần 19.000 tỷ trong quý này.

Còn nhớ tại phiên họp ĐHCĐ thường niên hồi tháng 5/2022, khi nói về câu chuyện kinh doanh năm nay, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long từng nhấn mạnh: "Khi có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào".

Chủ tịch Hòa Phát chỉ ra giá nguyên liệu tăng cao do căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Chính sách "zero Covid" của Trung Quốc cũng khiến nhu cầu thép giảm.

Như vậy, câu nói của ông Long đã "ứng nghiệm" ít nhất 2 quý gần đây và không ngoại trừ khả năng sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong quý 4 tới.

Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế

Sau cú bắt tay của Mai Linh, thêm hãng taxi truyền thống ‘điện hóa’ với dàn xe VinFast

Tập đoàn có doanh thu 34 tỷ USD sắp thoái vốn khủng tại PVI

Bài thuộc chủ đề Sắt thép
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-co-phieu-hpg-ve-den-hai-phong-45-trieu-co-phieu-bi-ban-san-phien-3110-156005.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thị giá về đến "Hải Phòng", 45 triệu cổ phiếu HPG bị bán sàn phiên 31/10
    POWERED BY ONECMS & INTECH