Khối ngoại rút 2.300 tỷ đồng khỏi Vinamilk (VNM) sau hơn 1 tháng

26-06-2023 20:43|Đức Hậu

Bất chấp cổ phiếu VNM (Vinamilk) đang có nhịp hồi mạnh về vùng 70.x, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.

Kết phiên giao dịch ngày 26/6, cổ phiếu VNMcủa CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tăng 2,2% và trở lại mốc 70.000 đồng/cp. Đây cũng là cổ phiếu tăng tích cực nhất thị trường khi đóng góp cho VN-Index gần 0,8 điểm.

Tạm tính sau 4 phiên, cổ phiếu VNM tăng 7,8%; vốn hóa có thêm 10.660 tỷ đồng lên mức 155.000 tỷ. Dòng tiền đầu cơ gia tăng trở lại ở bluechips ngành sữa này. Tuy nhiên, các tín hiệu từ dòng tiền lớn vẫn chưa xuất hiện trở lại.

Khối ngoại rút 2.300 tỷ đồng khỏi Vinamilk (VNM) sau hơn 1 tháng

Trước đó, cổ phiếu VNM rơi về mức đáy 1 năm (65.500 đồng/cp - phiên 20/6).

Kể từ sau nhịp tăng lên mức 83.500 đồng/cp hồi đầu tháng 12/2022, cổ phiếu VNM đã liên tục điều chỉnh với thanh khoản xuống thấp. Tuy nhiên 2 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM bất ngờ tăng vượt mức 10 triệu đơn vị/phiên.

Thậm chí trong phiên 23/6, cổ phiếu Vinamilk ghi nhận khối lượng giao dịch gần 12 triệu đơn vị - mức kỷ lục sau 17 năm niêm yết.

Dù xuất hiện tín hiệu hồi phục với thanh khoản cải thiện tuy nhiên khối ngoại vẫn chưa dừng các hoạt động bán ròng cổ phiếu Vinamilk trong đó bán ròng 32/33 phiên gần nhất với tổng khối lượng 31 triệu cổ phiếu - giá trị tương ứng khoảng 2.300 tỷ đồng.

Phiên 26/6, cổ phiếu VNM bị bán thêm 1,56 triệu đơn vị - giá trị hơn 113 tỷ.

Trong khi đó, quỹ F&N Dairy Investments Pte.Ltd mới đây đăng ký mua vào 20.899.554 cổ phiếu VNM từ ngày 23/6 - 21/7. Trước giao dịch F&N Dairy sở hữu 369.752.859 cổ phiếu (tỷ lệ 17,69%).

Có thể thấy, con đường trở lại thời kỳ hoàng kim của Vinamilk là không hề dễ dàng dù một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện.

Sữa được coi là thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên với thu nhập bị suy giảm do lạm phát và kinh tế suy giảm, người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm hơn về giá thành sản phẩm. Lạm phát và chi phí tăng cao cũng đang làm tăng áp lực trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Khối ngoại rút 2.300 tỷ đồng khỏi Vinamilk (VNM) sau hơn 1 tháng
Lợi nhuận sau thuế của Vinamilk sau nhiều năm đi ngang đã giảm trở lại trong 2 năm gần nhất

Vinamilk dù tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa uống trong nước nhưng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và có thể đánh mất thị phần.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2023 tiếp tục là năm thách thức đối với Vinamilk khi mảng nội địa suy giảm do bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực gia tăng tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu không đủ bù đắp cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng xu hướng biên lợi nhuận gộp sẽ tích cực trong nửa cuối năm nhờ hưởng lợi từ xu hướng giá nguyên vật liệu đầu vào đã giảm mạnh so với năm ngoái. Biên gộp tích cực hơn 2022 nhờ vào tồn kho giá thấp từ quý 1/2023 sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh của quý 2 - 3 khi giá bán bình quân đã tăng từ cuối năm ngoái.

Theo đó, VCBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk sẽ tăng trưởng lần lượt 1,2% và 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái - đạt 60.650 tỷ và 9.379 tỷ đồng.

Xem thêm: Một công ty chứng khoán bị UBCK cấm mua cổ phiếu từ ngày 27/6

Quỹ ETF quy mô 11.000 tỷ đồng sắp gom mạnh cổ phiếu CTCK Top 3 về vốn điều lệ

Vinamilk (VNM) sắp trả cổ tức, 'nữ tướng' Mai Kiều Liên sẽ nhận về bao nhiêu tiền?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoi-ngoai-rut-2300-ty-dong-khoi-vinamilk-vnm-sau-hon-1-thang-189431.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khối ngoại rút 2.300 tỷ đồng khỏi Vinamilk (VNM) sau hơn 1 tháng
    POWERED BY ONECMS & INTECH